Bệnh ho gà: Những điều cần biết

06:50, 10/05/2015
|

(VnMedia) - ThS. Hà Huy Tình ,Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp do trực khuẩn có tên Bordetella pertussis gây nên, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện lâm sàng bằng những con ho dữ dội và có nhiều biến chứng.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh ho gà


Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh ho gà nhưng trẻ sơ sinh và trẻ em không được tiêm vắc xin có nguy cơ cao, và có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng do bệnh ho gà.

Nguồn bệnh

Là những người mắc bệnh ho gà. Bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh, khi có dấu hiệu viêm long đường hô hấp và những cơn ho.

Ảnh minh họa.


Đường lây truyền  

Vi khuẩn gây bệnh ho gà sống ở trong mũi, miệng, cổ họng và bị lan ra không khí khi người bệnh xịt mũi, ho, hắt hơi hoặc nói. Người bình thường ở cạnh người bệnh ho gà có thể hít mầm bệnh vào. Phạm vi lây trong khoảng dưới 3 mét. Trẻ sơ sinh thường bị lây bệnh ho gà từ trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành.

Triệu chứng của bệnh ho gà

Bệnh khởi phát có thể không có sốt hoặc sốt nhẹ (37oC - 38oC), với các triệu chứng viêm long đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng). Ho tăng dần thành cơn, hay gặp về đêm.

Ở thời kỳ toàn phát, xuất hiện các cơn ho gà điển hình. Cơn ho xuất hiện đột nhiên vô cớ sau các kích thích, cả ngày và đêm nhưng hay gặp ho nhiều về đêm. Mỗi cơn ho điển hình trải qua 3 giai đoạn. Trẻ ho rũ rượi từng chuỗi liên tục, không tự kìm hãm được. Mỗi chuỗi 15-20 lần ho liên tục, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ ngầu, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi. Cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi chuỗi tiếp theo, trẻ thở rít vào thật dài nghe như tiếng gà rít.

 Các cơn ho cứ liên hồi cho tới khi trẻ nôn hoặc khạc được đờm trắng trong, dính như lòng trắng trứng, trong đó có trực khuẩn ho gà. Sau mỗi cơn ho, trẻ mệt mỏi bơ phờ, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Phải mất ít phút, trẻ mới trở lại chơi bình thường. Các cơn ho có thể làm mặt nặng, loét dây hãm lưỡi. 3 tuần sau khi cơn ho xuất hiện, bệnh phát triển tới cực độ và giữ nguyên ở mức đó trong một thời gian tùy từng trường hợp, rồi bệnh lui dần (các cơn ho giảm, thời gian ho ngắn dần, khạc đờm ít sau đó hết dần).

Biến chứng nguy hiểm

Biến chứng hô hấp: Viêm phế quản phổi là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ so sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, nghe phổi có nhiều ran ẩm, ran nổ. Tử vong cao do suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thể dãn phế quản do hậu quả của viêm phế quản phổi.

Biến chứng thần kinh: Viêm não là biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được cứu sống có thể để lại di chứng liệt nửa người, liệt chi, liệt dây thần kinh sọ hoặc rối loạn tâm thần.

Một số biến chứng khác: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, có thể vỡ phế nang, tràn khí màng phổi, xuất huyết võng mạc và bội nhiễm vi khuẩn khác.

Điều trị

- Kháng sinh đặc hiệu
Kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh sang người khác và có thể giảm mức độ trầm trọng của bệnh nếu được sử dụng sớm. Nên dùng: Ampixilin 75-100mg/kg/ngày, uống 7 - 10 ngày hoặc Erythromyxin 30 - 50 mg/kg/ngày, uống từ 7 - 10 ngày.

- Điều trị triệu chứng
Điều trị các triệu chứng giảm và cắt ho. Hút đờm dãi và thở oxy nếu bệnh nhân có khó thở. Phối hợp kháng sinh khi có bội nhiễm đường hô hấp. Cho trẻ ăn nhiều bữa, bổ sung các loại vitamin nhóm B.

Phòng bệnh

 - Phòng bệnh chung
Những người bị ho gà phải được cách ly cho tới 5 ngày sau điều trị kháng sinh.
Những bệnh nhân ho gà không dùng kháng sinh phải được cách ly tới 21 ngày sau giai đoạn ho.
Những người tiếp xúc với các ca bệnh ho gà cũng phải được cách ly tới 5 ngày sau điều trị kháng sinh.
Có thể dùng Erythromyxin để phòng ho gà cho những trẻ tiếp xúc với bệnh nhân.

- Đặc hiệu 
Vắc xin ho gà góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở nước ta, bệnh ho gà được nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Hiện nay, tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh ho gà được sử dụng là Quinvaxem. Tiêm 3 liều vào tháng thứ 2, 3, 4 sau khi sinh và tiêm nhắc lại sau mũi thứ 3 tối thiểu 1 năm.                            


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc