Những lưu ý khi dạy con tự kỷ tại nhà

06:47, 06/04/2015
|

(VnMedia) - Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ mắc bệnh tự kỷ có xu hướng ngày càng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2014, bệnh viện đã thăm khám cho 2640 trẻ tự kỷ, chiếm khoảng 20% bệnh nhân đến khám tại khoa Tâm thần. Trong số đó, có 446 bệnh nhân phải vào viện can thiệp.

Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ: Từ 24 - 36 tháng

Theo Ths.Bs Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự kỷ cần được can thiệp càng sớm càng tốt. Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là từ 24 - 36 tháng, để trẻ lớn hơn, khi đã có hành vi định hình thì việc can thiệp thay đổi sẽ rất khó khăn. Và để hiệu quả can thiệp được tốt nhất, cần có sự tham gia của cha mẹ và các nhà chuyên môn như bác sĩ, nhà tâm lý, các nhà giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên cha mẹ vẫn đóng vai trò then chốt.

Ths.Bs  Hương cho biết: từ khi thành lập đơn vị tự kỷ của khoa Tâm thần, chúng tôi luôn nêu cao vai trò của cha mẹ. Bên cạnh việc nâng đỡ về tinh thần, chúng tôi cũng cố gắng cung cấp các thông tin phù hợp cho cha mẹ để họ hiểu hơn về bệnh của con (các dấu hiệu của rối loạn tự kỷ, dấu hiệu chậm phát triển…), hướng dẫn cho gia đình cách chăm sóc và dạy con tại nhà. Chính sự hiểu biết về các rối loạn phát triển của trẻ tự kỷ sẽ giúp cha mẹ tham gia vào quá trình điều trị tốt hơn và đưa ra các quyết định đúng đắn cho con mình.
 
Bệnh tự kỷ được coi là một rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện từ rất sớm và ảnh hưởng kéo dài đến cuộc đời của trẻ. Trẻ bị bệnh vẫn khỏe mạnh, nhưng luôn có các hành động bất thường. Các hành động này xuất hiện trong 3 lĩnh vực là ngôn ngữ, giao tiếp xã hội và hành vi lặp đi lặp lại với tư duy cứng nhắc thiếu trí tưởng tượng.

Ths Hương cho biết, một khó khăn lớn đối với gia đình có trẻ tự kỷ là khó khăn trong việc tìm chỗ học phù hợp cho con sau khi được can thiệp tại bệnh viện Nhi Trung ương. Nguyên nhân chính là sự không đồng bộ của hệ thống giáo dục dành cho trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển tại các địa phương.
 
Nhiều gia đình ở các tỉnh xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn vẫn phải đưa con ra điều trị tại tuyến Trung ương cũng là một trở ngại không nhỏ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của trẻ. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Một số đặc điểm quan trọng của trẻ tự kỷ
 
- Thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác.
 - Thể hiện, hành động  rất giống nhau trong cách chọn lựa các thói quen hàng ngày.
- Không hề nói năng hoặc cách nói rất kỳ dị, nói tuỳ thích.
- -Rất thích xoay chuyển các đồ vật và thao tác khéo léo hoặc có những động tác định hình.
- Có kỹ năng cao về ý thức không gian, có trí nhớ vẹt trong khi lại rất khó khăn trong việc học tập các lĩnh vực khác.
- Bề ngoài có vẻ nhanh nhẹn, thông minh, dễ thương.
 
 Những biểu hiện như trên  có thể nhận biết từ khi trẻ 12 tháng cho đến khoảng 30 tháng tuổi.
 
Ngày nay, hiện tượng tự kỷ được xem là một trong các dạng loạn tâm ở trẻ em, nhiều bậc phụ huynh đau buồn vì đã có một đứa con có những hành vi mà họ không thể hiểu nổi, họ nghĩ là do họ gây ra những sai lầm, khiến họ trở nên mặc cảm và không tin rằng họ có thể giúp cho con mình được nữa. Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy các hành vi của trẻ Tự kỷ thường là kết quả của các rối loạn trong sự phát triển từ khi trẻ mới ra đời hoặc trong những năm đầu và đa số là do thể chất chứ không hoàn toàn là do cách nuôi dạy của cha mẹ.

Đa số trẻ tự kỷ thường có khó khăn rõ rệt khi tập thể dục và trong các trò chơi, chúng chỉ có thể bắt chước một số động tác đơn giản, nhưng khi các động tác trở nên phức tạp hơn thì trẻ không thể nắm bắt được, nhất là trong các trò chơi phối hợp với đồng bạn.

Cần lưu ý đặc biệt đến các loại hành vi sau đây:
 
 - Hành vi lặp đi lặp lại một số động tác. 
 - Hành vi thiếu thích nghi hay cứng nhắc. 
 - Hành vi thiếu thích thú, không biết vui đùa.  
 
Như vậy trước một trẻ có bất thường về tâm vận động nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có các :  chuyên khoa thần kinh, tâm thần, chuyên viên tâm lý lâm sàng, chuyên viên tâm vận động, chuyên viên chỉnh âm, giáo dục viên đặc biệt,  để có sự tư vấn có phương hướng  giáo dục đặc biệt. 

Những lưu ý khi dạy con tự kỷ tại nhà

Khi được biết con bị mắc rối loạn phổ tự kỷ, nhiều cha mẹ rất lo lắng, bối rối không biết phải bắt đầu từ đâu. Hàng trăm vấn đề như học ở đâu, học như thế nào, học cái gì  đều trở thành những trăn trở của các bậc cha mẹ.

Ths giáo dục đặc biệt Mai Xuân Thu, Khoa Tâm bệnh-Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, gia đình là môi trường tốt nhất đối với trẻ tự kỉ bởi đó là môi trường quen thuộc, trẻ có nhiều cơ hội được tham gia vào các hoạt động hàng ngày cùng với những người thân, được thực hành và luyện tập các kĩ năng. Chính vì vậy, việc cha mẹ hiểu và nắm vững các kỹ năng dạy trẻ tự kỷ tại nhà vừa giúp các cán bộ y tế thúc đẩy tiến độ của việc điều trị, mặt khác, còn tiết kiệm được thời gian và chi phí thời gian và kinh phí trong quá trình can thiệp. 

 Để thực hiện được các kĩ năng này, cha mẹ lưu ý một số yêu cầu sau:
- Bắt đầu bằng những đồ chơi, hoạt động mà trẻ thích. Đó là con đường dẫn dắt cha mẹ đến với thế giới của trẻ.
- Kiên trì thực hiện bởi trẻ sẽ không chú ý và tương tác ngay từ lần đầu tiên.
- Luôn tạo không khí vui vẻ để trẻ cảm thấy thoải mái và hứng thú tham gia hoạt động hơn.
- Dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong bất kì tình huống nào, trong mọi hoạt động của gia đình.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc