Những lưu ý khi nhờ người mang thai hộ

12:21, 17/03/2015
|

(VnMedia) -   Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và sẽ có hiệu lực từ 15/3/2015.

 

Mỗi năm, khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Mục đích của việc quy định bệnh viện nào được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không may mắn đó để tránh thực hiện mang thai hộ tràn lan, hạn chế những biến tướng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

 

Hiện, cả nước có 19 bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép thụ tinh trong ống nghiệm và đều đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khả năng thực hiện kỹ thuật mang thại hộ. Tuy nhiên, chỉ có 3 bệnh viện được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, việc hạn chế mở rộng cơ sở thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là vì: Việc qui định chỉ có 3 bệnh viện được làm do vấn đề mang thai hộ còn mới, rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ và liên quan trực tiếp đến số phận của đứa trẻ sinh ra có thể có các hệ lụy về sau đối với các bên liên quan, ảnh hưởng về mặt huyết thống, quan hệ, tình cảm.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, nhu cầu đòi hỏi làm kỹ thuật mang thai hộ không nhiều như thụ tinh trong ống nghiệm, nên chỉ cho phép 3 bệnh viện của Nhà nước mang tính đại diện khu vực thực hiện để tránh tình trạng thực hiện mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Việc quy định 3 bệnh viện được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ trong giai đoạn đầu là để cơ quan quản lý có thể tổng kết, rút kinh nghiệm và quản lý tốt hơn vấn đề này. Nếu nơi nào ngoài 3 bệnh viện trên mà làm là vi phạm.

 

Bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, quy định việc mang thai hộ được áp dụng chặt chẽ và chỉ có các trường hợp sau mới được nhờ mang thai hộ: phụ nữ không có tử cung (dị dạng tử cung bẩm sinh, không thể mang thai hoặc bị cắt tử cung); phụ nữ bị mắc các bệnh hiểm nghèo mà khi mang thai sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi; sẩy thai nhiều lần và thất bại khi thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản…

 

Mang thai hộ là biện pháp đưa phôi hình thành từ tinh trùng chồng và vợ vào một phụ nữ khác. Khi đứa trẻ sinh ra sẽ được công nhận là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Điều kiện để mang thai hộ là: người mang thai hộ tự nguyện, những người tham gia phải có xác nhận, chỉ định của cơ sở y tế, không có con chung. phải có cùng huyết thống đối với chồng, hoặc vợ trong phạm vi 3 đời và phải cùng hàng (vai về vớ cặp vợ chồng). 
 

Về phía người mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Đó là phải đang ở độ tuổi sinh đẻ, được khám sức khỏe và có khả năng mang thai hộ. Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt chẽ việc mang thai hộ, nhằm ngăn chặn vấn đề thương mại hóa.

Người mang thai hộ nếu có chồng, cũng phải được người chồng đồng ý, nhưng cũng chỉ được phép mang thai hộ một lần, vì 99% trường hợp mang thai hộ phải mổ lấy thai để đảm bảo an toàn, cũng như để đảm bảo sức khỏe, tính mạng người mẹ. Thông tin về người mang thai hộ sẽ được lưu trữ trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác, tránh việc người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký.

  Ảnh minh họa



Nhiều khó khăn khi nhờ mang thai hộ

 

Luật mang thai hộ vừa mới có hiệu lực từ ngày 15/3 nhưng các bệnh viện đã nhận nhiều hồ sơ xin phép được mang thai hộ. Tuy nhiên, hiện nay luật mang thai hộ vẫn còn nhiều vướng mắc. Ở các bệnh viện, những người muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì nhiều, người đủ điều kiện pháp lý thì rất ít.

 

Được biết, cả ba bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế chỉ định thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản đều không gặp khó khăn trong việc thực hiện các kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, hầu hết các hồ sơ vẫn còn vướng mắc ở khâu xác minh người mang thai hộ có quan hệ họ hàng với người nhờ mang thai hộ hay không. Do đó, tất cả hồ sơ đủ điều kiện về mặt kỹ thuật buộc phải dừng lại chờ đợi.

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, hiện hồ sơ để tiến tới mang thai hộ còn vướng nhiều quy định như đến nay vẫn chưa biết cơ quan nào tư vấn tâm lý, pháp luật cho người mang thai hộ.  Đồng thời, việc xác minh người mang thai hộ là họ hàng, luật mang thai hộ quy định chưa rõ cũng đang là vấn đề mà Bộ Y tế đang vướng. Ai sẽ là người xác định người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có quan hệ họ hàng? 


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc