"Ngừa" tăng huyết áp bằng cách điều chỉnh lối sống

06:39, 12/03/2015
|

(VnMedia) - Hiện nay, Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng. Nếu như năm 1960, tỷ lệ người bị bệnh tăng huyết áp ở người lớn phía Bắc Việt Nam chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (1992) thì tỷ lệ này đã là 11,7%, tăng lên hơn 11 lần (mỗi năm tăng trung bình 0,33%).

Ảnh minh họa

 




Năm 2002, tỷ lệ người bị bệnh tăng huyết áp tăng lên 16,3% (trung bình mỗi năm tăng 0,46%) và đến năm 2009 thì tỷ lệ này đã  lên đến 25,1% với người trên 25 tuổi. Như vậy, với dân số 84 triệu người Việt Nam (tính đến năm 2007), ước tính có khoảng 6,85 triệu người bị bệnh tăng huyết áp thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người bị tăng huyết áp, nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.

'Tăng huyết áp không những là bệnh phổ biến mà còn là “kẻ giết người thầm lặng”

TS. Phạm Thị Hồng Thi - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết cho biết, các biến chứng của tăng huyết áp là rất nặng nề như: tai biến mạch máu não (TBMMN), nhồi máu cơ tim (NMCT), suy tim, suy thận, mù lòa, bệnh động mạch ngoại vi… Những biến chứng này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, gây tàn phế thậm chí là tử vong và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất cho gia đình bệnh nhân cũng như toàn xã hội. Bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra TBMMN, nhồi máu cơ tim, suy tim… Như vậy, hằng năm chúng ta phải chi một khoản kinh phí rất lớn, tới cả ngàn tỷ đồng để trực tiếp điều trị bệnh và phục vụ những người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do TBMMN, nhồi máu cơ tim, suy tim…

Theo TS. Phạm Thị Hồng Thi , có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp… Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh.

 Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam (năm 2008-2009), đa số người dân (77%) hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh. Đây cũng là một trong các nguyên nhân để tỷ lệ bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng ở nước ta.
 
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh: Thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học là một trong các biện pháp chính để phòng ngừa tăng huyết áp cũng như góp phần điều trị bệnh tăng huyết áp, nhờ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng.

Đồng thời, một  trong những biện pháp phòng bệnh tăng huyết áp hữu hiệu là cải thiện chế độ ăn uống. Theo GS Nguyễn Lân Việt và GS Phạm Gia Khải, chế độ ăn uống có sự liên quan mật thiết đến bệnh tăng huyết áp. Để phòng bệnh này, mỗi người cần giảm ăn mặn (ít hơn 4g muối mỗi ngày, ít hơn 1 muỗng cà phê muối, hoặc ít hơn 2 muỗng canh nước mắm hoặc nước tương). 
  
 Việc ăn mặn khiến nước bị tích trữ trong cơ thể (muối có xu hướng trữ nước) làm mạch máu bị căng, khiến nguy cơ tăng huyết áp xuất hiện. 
  
Ngoài ra, cần ăn nhiều rau, ít chất béo (hạn chế ăn mỡ động vật và nên thay bằng dầu thực vật. Cần hạn chế các thực phẩm nhiều Cholresterol như: tim, gan, bầu dục, não, trứng...). Đặc biệt cần cai rượu bia (với người nghiện), hạn chế uống rượu bia, tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc