Cảnh giác biến chứng do sốt xuất huyết ở trẻ em

21:06, 02/03/2015
|

(VnMedia) - Theo tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, tuần qua, khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cứu sống bé trai Ng. H. D, 7 tuổi, ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bị sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4, suy hô hấp, tổn thương gan nặng.

Khai thác bệnh sử ghi nhận em sốt cao 3 ngày liên tục, đến sáng ngày thứ 4 của bệnh em bớt sốt, than đau bụng, ói ra dịch nâu, tay chân lạnh, than mệt, được người nhà đưa đến nhập viện tại bệnh viện địa phương, em được điều trị bằng truyền dịch rồi chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng bứt rứt, mạch nhẹ, huyết áp kẹp, tay chân lạnh, thở mệt, xét nghiệm cấp cứu cho thấy em bị cô đặc máu và tổn thương gan nặng, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4, suy hô hấp, tổn thương gan nặng và điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ, nhưng tình trạng diễn tiến phức tạp, gây ra nhiều biến chứng như tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều gây suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa, được truyền thuốc thuốc vận mạch, hỗ trợ hô hấp qua thở máy, truyền máu, truyền huyết tương đông lạnh và tiểu cầu đậm đặc.

Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị tình trạng sốc và suy hô hấp, tổn thương gan được cải thiện dần, bệnh nhi được cai máy thở, trẻ tỉnh táo hơn, ăn uống được.

Nhân trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý, mặc dù số lượng trẻ sốt xuất huyết ít vào đầu mùa, nhưng vẫn còn một số trường hợp nặng do nhập viện trễ, nên phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu gợi ý bệnh sốt xuất huyết nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Đó là khi trẻ sốt cao trên 2 ngày và có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau: 

- Bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sang
- Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen
-Đau bụng, ói nhiều
-Tay chân lạnh
- Lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống

Ảnh minh họa

Bé Ng. H. D sau 1 tuần điều trị tích cực đã hồi phục


Nguyên nhân

- Do vi rút Dengue.
- Do muỗi vằn là nguồn lây bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
- Giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Bệnh có thể gây thành dịch lớn.
- Nếu phát hiện muộn dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Chế độ chăm sóc
- Cho  mặc quần áo thoáng, màu sáng để thoát nước.
- Cho trẻ uống nhiều nước, hoa quả.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. 

Phương pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

- Đậy kín các chum, lu chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng.
-Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà để ăn bọ gậy.  
- Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước 1 tuần/ 1 lần.
-Thu gom đồ phế thải quanh nhà, lật úp các vật thải có chứa nước.
- Cho trẻ mặc áo quần dài tay.
-  Khi ngủ phải mắc màn (kể cả ban ngày).
- Diệt muỗi bằng hóa chất như phun thuốc, tẩm màn, tháp hương muỗi, dung bình xịt diệt muỗi, bôi kem chống muỗi đốt….
- Bổ sung đầy đủ thực phẩm, dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc