Bệnh dại có nguy cơ tử vong gần như 100%

14:21, 03/03/2015
|

(VnMedia) -   Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh, khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số trường hợp tử vong do bệnh dại năm 2014 đã giảm 38% so với năm 2013, với 66 trường hợp tử vong do bệnh dại. Năm 2014 là năm có số tử vong do dại thấp nhất trong 10 năm vừa qua.

Những tỉnh, thành phố có số người tử vong cao như Nghệ An (10 trường hợp), Hà Nội (5 trường hợp), tiếp theo là Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu…

Trong năm 2014, số người tiêm vắcxin phòng dại sau khi bị chó nghi dại cắn đã lên tới 399.053 người, cao hơn 11% so với năm 2013.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, với nguồn truyền bệnh chính là chó và đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Trong những năm gần đây bệnh dại luôn nằm trong số những bệnh truyền nhiễm có số trường hợp tử vong cao nhất.

Trong năm 2007 đã ghi nhận 131 trường hợp tử vong, riêng trong năm 2013 số tử vong do bệnh dại mặc dù đã giảm song vẫn ghi nhận tới 105 trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra.
Ngành y tế đang hướng tới mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm giúp người dân tăng cường tiếp cận dịch vụ tiêm vắcxin phòng dại. Năm 2014, số điểm tiêm vắcxin phòng dại đã tăng từ 592 điểm năm 2012 lên 656 điểm tiêm trong năm 2014.

Đây là một nỗ lực rất lớn của toàn thể Chính quyền các cấp, các cán bộ y tế, thú y tại các địa phương trong điều kiện các nguồn kinh phí bị hạn chế, việc quản lý các đàn chó và triển khai tiêm vắc xin dại cho chó, mèo tại các hộ gia đình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để tiếp tục giảm số trường hợp tử vong do bệnh dại tại nước ta trong năm 2015, vẫn còn rất nhiều thách thức trước mắt cần phải vượt qua, nhất là việc tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của người dân một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc đi tiêm phòng bệnh dại cho người khi bị chó nghi dại cắn cũng như việc quản lý đàn chó và tiêm vắc xin phòng dại cho chó.

Đường lây truyền bệnh dại

Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo.

Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn, như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.

Các biện pháp phòng bệnh dại

- Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.

- Tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Dự phòng trước phơi nhiễm

- Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.

- Tiêm nhắc lại theo định kỳ: Áp dụng cho những người do công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi rút dại và chỉ tiêm nhắc lại 1 liều khi xét nghiệm chuẩn độ kháng thể dại ở mức dưới 0,5UI/ml.

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm

Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.

Cách xử lý vết thương

- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

- Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.

- Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc