Những việc cần làm ngay khi uống nhầm axít

14:09, 12/01/2015
|

(VnMedia) Đêm qua 11/1, sự cố hi hữu xảy ra tại chương trình Vietnam’s Got Talent trên VTV3. Thí sinh Trần Tấn Phát thể hiện màn ảo thuật nguy hiểm, độ rủi ro cao khi đặt những ly nước cạnh ly axít đã được hoán đổi vị trí. Nhiệm vụ của anh là sẽ phải đoán đúng đâu là chiếc ly có axít để tránh không uống, nhưng màn trình diễn này đã thất bại khi anh đã uống nhầm chiếc ly có loại hóa chất kịch độc này.

GS Lê Năm - nguyên Viện trưởng Viện Bỏng quốc gia cho biết, nếu uống nhầm axít ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ bị chảy máu tức thì, axít ngấm vào máu gây hoại tử và làm chết các tế bào tại thực quản, dạ dày dẫn đến thủng dạ dày.

"Những trường hợp tử vong thường là do axít đậm đặc xuống các cơ quan tiêu hóa, gây hoại tử và thủng dạ dày", GS Năm nói.

Ông cũng cho biết, đối với từng trường hợp, độ đặc loãng của axít, việc điều trị cũng khác nhau. Tuy nhiên, việc cần làm ngay lúc đó nếu trót uống hóa chất này là cần uống càng nhiều nước lọc càng tốt. Việc pha loãng axit trong dạ dày là rất quan trọng giúp tránh tổn thương ở mức độ nặng tại cơ quan này. Lúc này việc dùng các chất bazo để trung hòa axit không cần thiết.

Trong trường hợp bệnh nhân kịp thời nhổ bỏ axít ra khỏi miệng mà chưa kịp uống, sẽ không có tổn thương ở các cơ quan khác ngoài khoang miệng. Lúc này, trong khoang miệng hoặc vùng môi bệnh nhân có thể xuất hiện màng bọc trắng xóa, đó là do phần da, niêm mạc đã bị hoại tử. Tuy nhiên, nếu điều trị tích cực, phần hoại tử này sẽ nhanh chóng bong và khỏi hoàn toàn.

"Phần miệng và mặt, tuy có nhiều mạch máu, dễ chảy máu, gây sẹo nhưng hồi phục cũng nhanh hơn nếu bỏng nông. Trong những trường hợp này, chỉ 10 ngày là bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn", bác sĩ Lê Năm chia sẻ.

Cho dù đã uống hay ngậm axit, việc làm đầu tiên có thể quyết định mức độ tổn thương của bệnh nhân là cần ngay lập tức uống nước lọc (nếu đã uống) và xúc miệng nước lọc (nếu mới ngậm) để pha loãng phần axít này. Nếu không biết cách xử lý, bệnh nhân ở tình trạng nặng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ như: nhiễm độc trực tiếp từ axit; hoại tử cơ quan tiêu hóa, vùng miệng và hứng chịu các nhiễm khuẩn tiếp theo trong quá trình điều trị.

  Ảnh minh họa

Axít ngấm vào máu có thể gây hoại tử và làm chết các tế bào tại thực quản, dạ dày dẫn đến thủng dạ dày. Ảnh minh họa.



Cấp cứu khi uống nhầm axit

 

Trong các tai biến với axít, chúng ta cần đề phòng đặc biệt với tai biến viêm, loét, xuất huyết và thủng dạ dày do uống nhầm axít.

 

Axít là một chất hoá học mạnh có thể gây ra ăn mòn và hủy hoại bề mặt mà nó tiếp xúc; dù đó là bề mặt gỗ hay là bề mặt kim loại thì nó đều có thể ăn mòn siêu tốc. Và giả sử đó là một lớp mô hữu cơ chăng nữa thì axít hoàn toàn có thể gây tổn thương.

 

Do đó, đứng về mặt bệnh học thì axít có thể làm cho bề mặt dạ dày bị viêm, loét và chảy máu, thậm chí là bị thủng. Người bệnh sau khi uống nhầm phải axít sẽcó cảm giác bỏng rát như đốt lửa trong thực quản và dạ dày. Axít đi đến đâu là cảm giác bỏng rát đi tới đó.

 

Nếu nồng độ axít nhẹ sẽ gây phản ứng viêm ở lớp bề mặt đường tiêu hoá. Nhưng nếu nồng độ axít đậm đặc thì sau đó sẽ gây ra loét, chảy máu. Vì axít sẽ làm chết lớp tế bào trên cùng rồi tiến đến làm chết lớp cơ bên dưới lớp tế bào này. Trong trường hợp nặng, axít sẽ gây ra thủng đường tiêu hoá, đây là một tai biến nặng, cần phải được xử trí ngoại khoa kịp thời.

 

Để giảm thiểu tác hại

 

Cần quy định chỗ để axít riêng ra một khu mà không để chung với đồ đạc sinh hoạt. Tuyệt đối không để axít trong tủ lạnh.Cần có những chai riêng đựng axít và mỗi chai phải có nhãn mác cẩn thận. Cần ghi đầy đủ thông tin: Axít, không được uống để mọi người cảnh giác.

 

Với những chai lọ hoá chất, nên sắp xếp một khu trong nhà kho để chứa những lọ này. Nên để tầm thấp, không nên để tầm cao vì có thể gây ra đổ vỡ và gây bỏng.

Cách cấp cứu khi uống nhầm axít

 

Trong mọi tình huống uống nhầm phải axít, việc cấp cứu cần phải được tiến hành khẩn trương. Có 3 lý do cơ bản ở đây: cấp cứu để loại bỏ nhanh axít ra khỏi đường tiêu hoá, cấp cứu để tránh axít làm tổn thương nặng ở trong dạ dày, cấp cứu để tránh biến chứng nặng về sau.

 

Vì thế mà việc cấp cứu đầu tiên cho người uống phải axít không phải là chuyển thẳng đến tuyến Trung ương mà phải đưa ngay đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất. Khi đi nhớ mang theo chai đựng axít để bác sĩ có cơ sở đánh giá được mức độ nặng nhẹ của axít đã uống nhầm. Mức độ nặng nhẹ còn được tiến hành bằng cách thấm quỳ tím để đo độ pH trong những giọt axít còn lại.

 

Trường hợp nồng độ axít loãng, (pH vào khoảng 5-6), quỳ tím chỉ hơi hồng thì mức độ tổn thương gây ra chỉ là viêm. Chúng ta có thể tiến hành rửa ngay dạ dày nhằm loại bỏ axít đang tồn tại. Nước rửa ở đây chú ý là nước sạch, nhiệt độ ấm, khoảng 35 - 37độC. Tuyệt đối không sử dụng nước lạnh.

 

Trường hợp nồng độ axít đặc (pH dưới 3), quỳ tím chuyển sang màu đỏ rực thì khả năng tổn thương loét và chảy máu dạ dày là rất cao, nên rửa dạ dày bằng ống mềm cần được cân nhắc. Vì nếu không có thể làm cho dạ dày chưa thủng có thể bị thủng do can thiệp rửa axít.

 

Đây là một tai biến không mong muốn cần phải tránh. Cách cấp cứu lúc này là cho uống nước và gây nôn. Uống xong và nôn ra ngay. Không được để nước xuống ruột. Nhớ là nước uống phải sạch và ấm. Biện pháp này tuy không công hiệu bằng biện pháp rửa dạ dày nhưng lại có độ an toàn cao hơn cho người bệnh.

 

Chú ý: Trong mọi trường hợp, chúng ta không sử dụng dung dịch kiềm hoặc kiềm mạnh để rửa dạ dày. Bởi trước khi kiềm có thể trung hoà axít thì nó đã gây ra tai hại rồi. Thứ nhất, nó có thể gây tổn thương tại những bề mặt mà không có axít đi qua. Thứ hai, khi trung hoà axít thì phản ứng này lại sinh ra nhiệt và càng làm cho tổn thương thêm nặng nề. Do vậy, trong mọi trường hợp, nên dùng nước sạch và trung tính để bơm rửa. Nước sinh hoạt thông thường đáp ứng tiêu chuẩn này.

 

Tất cả các biện pháp điều trị tiếp theo phải tùy thuộc vào bệnh mà người bệnh có thể bị. Nhưng có một nguyên tắc chung là: tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và tiến hành điều trị ngay sau khi cấp cứu.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc