Những thói quen ăn mặn gây nhiều bệnh nguy hiểm

07:30, 20/01/2015
|

(VnMedia) - Thạc sĩ- Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho biết, m uối rất quan trọng đối với cơ thể. Trong cơ thể chúng ta nước chiếm đến 60-70% khối lượng. Để điều hòa được lượng nước này đến với các bộ phận trong cơ thể không thể thiếu vai trò của muối.  

Muối có tác dụng giúp cơ thể kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp, giúp bắp thịt có thể co duỗi… Bên cạnh đó muối còn là gia vị phổ biến trong chế biến và bảo quản thức ăn. Thông thường mỗi ngày, sau quá trình hoạt động, có khoảng 0,5 gam muối bị đào thải qua mồ hôi.  

Theo thạc sĩ- Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, thiếu muối, cơ thể sẽ bải hoải, mệt mỏi, sự cân bằng bị phá vỡ, gây nên nhiều bất tiện cho sự hoạt động của cơ thể. Thiếu muối nặng có thể dẫn tới chuột rút, hoa mắt, chóng mặt, có thể hôn mê và tử vong. Thiếu muối nặng thường gặp ở những người ra quá nhiều mồ hôi do tập thể thao, lao động trong môi trường nóng bức hoặc bị tiêu chảy nặng mà không được bù nước và muối hợp lý.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối cơ thể lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tăng huyết áp , tim mạch, dạ dày…Như vậy muối rất quan trọng đối với cơ thể, vấn đề là sử dụng như thế nào để đảm bảo cho sức khỏe của mỗi người ?

Theo khuyến cáo của viện Dinh dưỡng, mỗi ngày chúng ta chỉ nên tiêu thụ 4-6 gam, với người cao huyết áp thì chỉ nên dùng 2-4 gam. Trẻ em, người già và phụ nữ mang thai nên dùng ở tỷ lệ thấp hơn.

Tác hại khi ăn quá nhiều muối

Theo các chuyên gia về tim mạch, ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch và là cội nguồn của nhiều căn bệnh gây tỉ lệ tử vong cao.
Khi ăn mặn, cơ thể chúng ta sẽ “nạp vào” một lượng natri lớn. Khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc “quá công suất” mới lọc máu được. Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Vì thế, chẳng những ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch mà còn dẫn đến huyết áp tăng cao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không chỉ  ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch mạch mà còn đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ những cơn đau tim và đột quỵ. Không những vậy, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, ăn mặn còn là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh khác như: suy thận, loãng xương, ung thư dạ dày...

Ảnh minh họa

 



Những thói quen khiến bạn ăn mặn

- Nhiều người khi ngồi vào mâm cơm thường có thói quen có bát nước mắm nguyên chat để chấm. Đây chính là điều đáng ngại bởi vì trong món ăn được chế biến đã có nêm mắm hoặc muối rồi, nhưng do thói quen ăn mặn nên vẫn dùng thêm nước mắm cho vừa khẩu vị của mình. 
-  Trái cây chấm muối cũng làm chúng ta vô tình nạp muối vào cơ thể.
- Ăn vặt: Thói quen ăn mặn còn được thể hiện rõ nét qua những món ăn vặt “giàu muối” không thể bỏ qua như cá loại khô, bánh snack, bánh mặn...
- Thực phẩm chế biến sẵn: Do tiết kiệm thời gian, thực phẩm chế biến sẵn đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều người trong mỗi bữa ăn.
Từ những thói quen trên, thật không có gì ngạc nhiên khi công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, người Việt Nam hiện đang dùng muối nhiều gấp 3 lần so với lượng muối cho phép. Người Việt hiện đang sử dụng 18-22g/người/ngày trong khi đó, theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mỗi ngày chúng ta chỉ nên sử dụng 3 - 6g muối.

Phòng tránh bệnh tật qua thói quen ăn mặn

- Điều chỉnh lại cách nấu ăn, chỉ dùng lượng muối vừa đủ cho cơ thể để có sức khỏe tốt nhất.
-Ban nên tập ăn nhạt một cách từ từ, không thể giảm đột ngột (trừ các trường hợp bị các bệnh lý mà bác sĩ chỉ định phải ăn nhạt). 
- Trong mâm cơm nên bỏ bát nước mắm nguyên, thay vào đó có thể pha loãng nước mắm và thêm các loại gia vị phù hợp với món ăn để hạn chế lượng muối trong bát nước chấm.
- Nên hạn chế sử dụng các đồ ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, cá thịt muối, các thức ăn nhanh có nhiều muối. Không nên lạm dụng muối khi bảo quản thực phẩm, thay vào đó bạn nên dùng các loại thực phẩm tươi sống. Khi chế biến thức ăn bạn nên cho muối vào sau cùng, để có cảm giác mặn hơn, nhờ đó lượng muối đưa vào cơ thể ít hơn.
-Không trữ các thực phẩm mặn khô, mắm ở trong nhà.
-Chú ý tìm hiểu các công thức nấu ăn lành mạnh ít muối để bảo vệ sức khỏe gia đình.
-Tập thói quen đọc nhãn hiệu, bao bì để xem thành phần nguyên liệu có an toàn không và lượng muối là bao nhiêu trong các thực phẩm chế biến sẵn.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc