Buồng trứng đa nang:Thủ phạm gây vô sinh?

08:05, 24/01/2015
|

(VnMedia) - BS. Dương Khuê Tú, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ cho biết, hội chứng buồng trứng đa nang (HCBTĐN) là rối loạn liên quan đến mất cân bằng hormon và kháng insulin, gây nên rất nhiều triệu chứng: chu kì kinh không đều, không có kinh, rậm lông, mụn, thừa cân, rụng tóc, buồng trứng rất nhiều nang khi siêu âm… 

Đây là bệnh gây ra do tình trạng rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn.

Nguyên nhân gây nên hội chứng này là do buồng trứng không thể sản xuất các hormon theo đúng tỉ lệ bình thường, có thể dẫn đến trứng rụng thưa hoặc không rụng trứng, thường thể hiện qua tình trạng kinh nguyệt thưa (2-3 tháng hoặc vài năm mới có kinh một lần). Tình trạng này nếu xảy ra có thể làm cho phụ nữ HCBTĐN giảm khả năng sinh sản. 

Theo BS. Dương Khuê Tú, không phải mọi phụ nữ HCBTĐN đều có mọi triệu trứng. Có thể chỉ biểu hiện một vài hoặc không có rối loạn gì cả ngoại trừ hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Nếu bạn chỉ có hình ảnh này, rụng trứng đều, không có triệu chứng gì khác, xét nghiệm nội tiết cũng bình thường thì không đủ kết luận bạn bị HCBTĐN. Trong trường hợp này, nếu bạn lên cân hoặc bị stress nhiều, có thể các triệu chứng sẽ dần dần xuất hiện.

Nhiều người thắc mắc rằng các nang này có phải là mấu chốt vấn đề hay không, nếu lấy ra được nang thì có trị hết bệnh không? Điều này không cần thiết vì tình trạng đa nang này chỉ là một triệu chứng, không phải là nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân bạn có hội chứng này là do thừa hưởng di truyền từ thế hệ trước, kết hợp với một số yếu tố từ môi trường như lối sống, chế độ ăn.

Do đó, mặc dù bạn không thay đổi được hệ thống gen của mình để điều trị hết các rối loạn trên, bạn vẫn có thể thay đổi điều kiện sống của mình để cải thiện triệu chứng, bao gồm chế độ ăn phù hợp, thường xuyên tập thể dục, kiểm soát cân nặng.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Triệu chứng của Hội chứng buồng trứng đa nang

 - Rối loạn kinh nguyệt: Kinh thưa, kinh không đều hay vô kinh là những rối loạn về kinh nguyệt thường gặp trong hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là một trong những tiêu chuẩn chính để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang.

Rậm lông, mụn, rụng tóc:
- Rậm lông trên mặt và cơ thể. Đây là biểu hiện của tình trạng cường Androgen. Có khoảng 92% phụ nữ rậm lông có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
- Mụn mọc ở mặt, lưng cũng rất thường gặp.
- Béo phì: 30-50% phụ nữ buồng trứng đa nang bị béo phì. Rối loạn trong quá trình chuyển hóa dẫn đến tình trạng phân bố mỡ không đồng đều. Để xác định tình trạng béo phì người ta dựa vào chỉ số BMI (>25) hay tỉ số vòng eo/vòng mông. Một số nghiên cứu cho rằng béo phì cũng có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của buồng trứng đa nang. Kiểm soát cân nặng có thể giúp cải thiện tiên lượng của hội chứng buồng trứng đa nang.

Cận lâm sàng
- Định lượng nội tiết tố: LH > 10mUI/ml; LH/FSH > 2; Testosterone > 1.5 ng/ml.
- Siêu âm: hai buồng trứng to, có nhiều nang nhỏ ở cả hai buồng trứng. Các nang này chứa đầy dịch. Có trên 10 nang (<10mm).

Cách phòng ngừa Hội chứng buồng trứng đa nang

Biện pháp đơn giản và cũng là hữu hiệu nhất giúp chị em phòng tránh hội chứng buồng trứng đa nang đó là thay đổi thói quen ăn uống trong đời sống hàng ngày.

- Các axit amin L-glutamine rất hữu ích, hãy bổ sung với lượng 4000-8000mg/ngày. Tốt nhất là hòa tan trong một chai nước và uống suốt cả ngày. Não có thể sử dụng nó để thay thế glucose tạo thành năng lượng, do đó, nó làm giảm các mệt mỏi, cảm giác thèm ăn các thực phẩm có đường và rượu, hồi niêm mạc của ruột, tăng cường hệ thống miễn dịch và là axit amin phong phú nhất trong cơ bắp, tăng cường cơ bắp.

- Đặc biệt, trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình, nữ giới mắc hội chứng buồng trứng đa nang cần tránh những thực phẩm chứa nhiều đường, các loại ngũ cốc tinh chế, đồ uống có ga, thực phẩm đóng hộp, các đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia…

- Ngoài ra, chị em cũng cần chú ý bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, ăn nhiều trái cây tự nhiên, uống nhiều nước.

- Chị em có thể thực hiện một chế độ sinh hoạt điều độ, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao với các bài tập đơn giản như: chạy bộ, yoga, bơi lội.
- Chú ý vệ sinh vùng kín hằng ngày, không mặc quần áo quá chật.
- Khám phụ khoa định kỳ


Phạm Minh