13 bệnh viện cam kết không để người bệnh nằm ghép

07:13, 21/01/2015
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đã có 13 bệnh viện Trung ương cam kết "không để người bệnh nằm ghép" tại buổi họp báo thông báo kết quả sau 2 năm thực hiện giảm tải bệnh viện diễn ra chiều ngày 20/1, tại Hà Nội.

Theo đó, 13 bệnh viện Trung ương bao gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Bệnh viện E, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, Da liễu Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Tâm thần Trung ương 1, Việt Nam - Cu ba, Đa khoa Đồng Hới, Châm cứu Trung ương đã có văn bản cam kết thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện được phê duyệt tại Quyết định 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020.

Các bệnh viện trên đã cam kết không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép giường bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện ngay từ những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2015.

Các bệnh viện cam kết giảm tải, không để tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, đảm bảo mỗi người nằm một giường bệnh, thực hiện theo 3 mức. Mức đầu tiên là ngay sau làm thủ tục nhập viện điều trị nội trú, mức thứ 2 là sau 24 giờ và mức thứ 3 là chậm nhất sau 48 giờ bệnh nhân làm thủ tục nhập viện điều trị nội trú, bệnh vienẹ phải bố trí giường nằm riêng.

Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức 3 đợt ký cam kết không để người bệnh nằm ghép vào ngày 27/2, 19/5 và 2/9 cho các bệnh viện. Bắt đầu từ ngày 27/2, Bộ Y tế thành lập các đoàn thanh tra, giám sát tại các bệnh viện đã thực hiện cam kết.

Bộ Y tế sẽ triển khai các biện pháp giám sát đánh giá quá trinh thực hiện tại các bệnh viện thông qua báo cáo trực tuyến số liệu về tình trạng nằm ghép hàng tuần. Đây cũng là tiêu chí đánh giá sự quyết tâm và năng lực điều hành, quản lý của giám đốc bệnh viện thông qua việc tham giá và thực hiện cam kết không để người bệnh nằm ghép. 

Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, sau 2 năm triển khai, cả 4 mục tiêu trong đề án giảm tải bệnh viện đều có kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, số giường bệnh thực kê tăng thêm 38.913 giường khi nhiều bệnh viện thu hẹp phòng hành chính, phòng họp, phòng của lãnh đạo… để lấy chỗ kê thêm giường nằm cho bệnh nhân.

Đáng chú ý, quy trình khám chữa bệnh được giảm tải từ 12 - 14 bước trước đây xuống còn 4 - 8 bước. Thời gian chờ đợi khám chữa bệnh trung bình gần 50 phút/người, giúp tiết kiệm được 27,2 triệu ngày công lao động xã hội.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị .
Ảnh: Kim Thảo.


Cắt thu nhập của lãnh đạo nếu để bệnh nhân phải nằm ghép

Trả lời những băn khoăn của phóng viên về việc bệnh viện đã ký cam kết nhưng vẫn để bệnh nhân nằm ghép thì xử lý thế nào, Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, việc đăng ký là hoàn toàn do bệnh viện tự nguyện sau khi khảo sát kỹ cơ sở vật chất chứ Bộ Y tế không ép buộc.

Ông Trần Quý Tường cho rằng, nếu không thực hiện thì ảnh hưởng đầu tiên là danh dự, trách nhiệm của người lãnh đạo. Trước tiên, sẽ đề xuất thực hiện cắt thi đua khen thưởng, thậm chí là cả phần thu nhập tăng thêm, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, nếu bệnh viện vẫn để bệnh nhân ằm ghép.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, nhớ lại kỷ niệm buồn đầu năm 2014 khi bệnh viện phải dồn hết sức mình để cứu chữa hàng trăm bệnh nhi mắc sởi. Ông Hải cho rằng, số bệnh nhi sởi nhiều, quá tải khiến bệnh viện phải bố trí các bệnh nhi nằm ghép. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực lớn của bệnh viện, hỗ trợ tích cực của Bộ Y tế, bệnh viện sẽ quyết tâm thực hiện cam kết.

Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cam kết sẽ cung cấp đủ số giường và cáng cho các bệnh nhân nhằm giảm tải bệnh viện.

3 nhóm giải pháp các bệnh viện đã áp dụng nhằm giảm tải: Xây dựng thêm khu điều trị, kê thêm giường bệnh; Thiết lập đơn vị lọc bệnh ngoại trú, chuyển điều trị ngoại trú những trường hợp có thể, điều trị ban ngày, giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn nhập viện, rút ngắn thời gian điều trị nội trú thông qua áp dụng quy trình và phác đồ điều trị chuẩn, giám sát điều trị; Tăng cường mối liên kết, chuyển tuyến giữ tuyến trên và tuyến dưới, thiết lập mạng lưới “bệnh viện giảm tải”.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc