Chiều cao người Việt thấp hơn nhiều chuẩn của WHO

11:35, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Chiều cao của thanh niên Việt Nam hiện thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhiều và vẫn thấp đáng kể so với các nước trong khu vực.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Tại Lễ Khởi động Chương trình Chung tay vì tầm vóc Việt diễn ra tối ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, chiều cao của thanh niên Việt Nam hiện thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ 10-13cm, tức là hiện chỉ đạt 153cm đối với nữ và163,7cm đối với nam.

Trên thực tế, sự khác biệt về chiều cao và cân nặng của người Việt so với chuẩn quốc tế rõ rệt nhất là ở nhóm tuổi 6-12 tháng tuổi và 6-11 tuổi. Trong khi đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 2013 vẫn rất cao (gần 26%); chưa kể 29% thiếu máu, 51% thiếu kẽm, 14% thiếu vitamin A…

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Một nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Theo PGS. TS. Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân là khẩu phẩn ăn của trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng, 49% nhu cầu canxi; 35% nhu cầu về vitamin A có giá trị sinh học cao, i-ốt. Với chế độ ăn thiếu số lượng, kém chất lượng như vậy đã dẫn tới thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu canxi… cùng với thiếu khu vui chơi trong nhà trường, nhiễm giun đường ruột… ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng và khả năng học tập của trẻ.

Ảnh minh họa



Tại Lễ Khởi động Chương trình Chung tay vì tầm vóc Việt diễn ra tối ngày 4/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho rằng chiều cao, sức vóc không nhất thiết tỷ lệ thuận với sự thành đạt, cống hiến của một con người, cũng như thế lực, tầm vóc của một dân tộc. Tuy nhiên, với mỗi người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, có chế độ rèn luyện khoa học, được sống trong môi trường lành mạnh, trong sạch thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn về thể lực, trí lực, tinh thần; có điều kiện thành công hơn trong lập thân, lập nghiệp, phụng sự quê hương, đất nước.

Trong khi đó, sự phát triển về trí tuệ và khả năng học tập của một con người được hình thành và phát triển hơn 50% ở những năm đầu đời, khoảng 30% tiếp theo được phát triển cho đến khi trẻ 8 tuổi, từ đó trí tuệ con người sẽ tiếp tục phát triển trong quá trình học tập và làm việc trong những năm kế tiếp. Vì vậy, thể lực, tầm vóc, trí tuệ người Việt có được nâng cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta chăm sóc cho lứa tuổi vàng (0-12 tuổi) của Việt Nam như thế nào.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc