Sẽ tăng cường lực lượng quân y trên tàu cảnh sát biển

18:52, 02/07/2014
|

(VnMedia) - Tới đây để tăng cường sự phát triển y tế biển đảo, Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường hơn nữa lực lượng quân y phục vụ trên các tàu biên phòng, tàu cảnh sát biển...

Chiều 2/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Y tế Biển đảo: Phát triển bền vững, hiệu quả”. Khách mời tham dự chương trình: Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng cục Quân y Bộ Quốc phòng, cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã cung cấp những thông tin chính xác, cụ thể về việc triển khai đề án trên cũng như những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và định hướng phát triển mạng lưới y tế cho khu vực biển và hải đảo trong thời gian tới.
 
Tăng cường lực lượng quân y trên tàu biên phòng, tàu cảnh sát biển
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, ngày 7/2/2013, Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay sau hơn 1 năm thực hiện đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, cán bộ y tế, các cấp ủy Đảng từng địa phương. Đồng thời, các bộ, ngành, các địa phương cũng đã có kế hoạch triển khai, tham gia tốt công tác phát triển y tế biển, đảo. Đặc biệt, Bộ Y tế với vai trò chủ trì đã tham gia một cách tích cực, kết hợp cùng Bộ Quốc phòng để triển khai đề án.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án trên cũng còn một số lưu ý cần khắc phục và hoàn thiện. Ví dụ chính sách y tế cho dân, người bệnh vùng biển đảo ở một số địa phương còn chưa được ưu tiên thích đáng, mạnh mẽ. Đến nay việc mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân vùng biển đảo mới đạt khoảng 60%, đây là một tỷ lệ thấp hơn so với nhiều vùng khác trên toàn quốc. Vì vậy, cần có chính sách hõ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho cư dân. Bên cạnh đó, chính sách cho các cán bộ y tế, cho các bác sỹ vùng biển đảo cũng còn hạn chế.
 
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thời gian qua khi Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” thì có sự phối hợp khá tốt giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai Bộ. 
 
Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng cục Quân y Bộ Quốc phòng cho biết, lịch sử phối kết hợp quân và dân y đã có từ lâu. Đến nay cần kết hợp nhuần nhuyễn hơn nữa để người dân biển đảo càng được chăm sóc y tế tốt hơn. Tới đây để tăng cường sự phát triển y tế biển đảo, về phía Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường hơn nữa lực lượng quân y phục vụ trên các tàu biên phòng, tàu cảnh sát biển, tăng cường các trạm y tế quân y trên biển.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ tăng cường năng lực cấp cứu, phương tiện vận chuyển cấp cứu từ khơi xa vào đất liền; đưa thêm các trung tâm cấp cứu ra biển đảo; đầu tư nâng cấp các trạm, trung tâm tâm y tế tuyến biển đảo để người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

Ảnh minh họa

Một góc của Tàu bệnh viện Khánh Hòa - 01. (Ảnh nguồn: Infonet)


Quân dân y tạo sự vững chắc an ninh - chính trị - xã hội 

Thiếu tướng Vũ Quốc Bình đánh giá mô hình kết hợp quân dân y ở Việt Nam là vô cùng đặc biệt, có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có như vậy. Điều này không những mang đến sự phát triển hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn tạo ra cả sự vững chắc về mặt an ninh - chính trị - xã hội.
 
Thiếu tướng Vũ Quốc Bình cho biết, do đặc thù, không thể mang hoàn toàn mô hình y tế ở đất liền áp dụng cho biển đảo, vì vậy đã có sự điều chỉnh phù hợp, chẳng hạn như bác sỹ phục vụ tại khơi xa thường phải là bác sỹ đa khoa.
 
Cũng theo Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, đến nay chúng ta cũng đã có tàu bệnh viện trên biển. Tàu bệnh viện này trang thiết bị hiện đại chẳng kém gì tàu của Nhật Bản. Đây chính là việc làm thiết thực, hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe ngư dân và công dân vùng biển.
 
Để tránh đầu tư dàn trải cho y tế biển đảo, theo Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, cần ưu tiên đầu tiên cho việc nâng cao nhận nhận thức của cư dân vùng biển đảo. Hiện nay, tuy lực lượng biên phòng cũng đã tham gia góp phần tuyên truyền cho người dân hiểu và tự phòng tránh bệnh tật cho mình, nhưng vẫn còn nhiều người dân vẫn rất chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, mà không ai có thể chăm sóc và chữa bệnh tốt nhất bằng chính mỗi người tự chăm sóc cho mình.
 
Một lãnh đạo cấp vụ tham dự buổi tọa đàm cũng cho biết thêm, khi khảo sát y tế vùng biển cho thấy, thậm chí vẫn có những người dân đi biển vẫn còn tư tưởng mê tín dị đoan, họ quan niệm đi biển, ra khơi là không mang theo thuốc vì cho rằng như thế sẽ “sui sẻo” và thay vì mang thuốc theo dự phòng thì họ lại mang theo rất nhiều rượu. Đến khi xảy ra ốm đau hoặc thương tích ngoài khơi xa thì bản thân họ không hề có thuốc uống, hay những dụng tối thiểu phục vụ công tác sơ cứu ban đầu nhằm cứu chữa kịp thời cho người bệnh.
 
Vì vậy, theo vị lãnh đạo này nên có sự phối hợp chặt chữa giữa y tế với lực lượng biên phòng, như sẽ không cấp phép ra khơi cho những tàu thuyền chưa trang bị thuốc men y tế, đặc biệt với những tàu đánh bắt xa bờ.
 
Cùng với đó, quan điểm từ phía Bộ Y tế cũng cho rằng phải nhất quán trong lồng ghép 2 Đề án: Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam và Đề án Phát triển dân số biển đảo, tránh chuyện trùng lắp, gây lãng phí trong quá trình thực hiện 2 đề án.


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc