Đã có hơn 4.000 người mắc sởi trên cả nước

06:49, 05/05/2014
|

(VnMedia) - Ngày 4/5, cả nước không ghi nhận trường hợp tử vong có liên quan đến sởi; 25 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nghi mắc sởi mới.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngày 4/5, cả nước không ghi nhận trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Trong ngày có 25 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nghi mắc sởi mới.

Bệnh viện Nhi Trung ương hiện có 268 bệnh nhân đang điều trị sởi; 13 bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 4/5 và không có trường hợp tử vong trong ngày. Bệnh viện Bạch Mai có 83 bệnh nhân đang điều trị sởi; 6 bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 4/5 và không có trường hợp tử vong trong ngày. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 100 bệnh nhân đang điều trị sởi; 26 bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 4/5 và không có trường hợp tử vong trong ngày.

Cục Y tế dự phòng khẳng định tính đến ngày 4/5, tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 85,3%, tăng 0,1% so với ngày 3/5/2014, trong đó, có 18 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi cao trên 95%; 40 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi từ 70-95% và 5 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi từ 60-70% gồm An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Thái Nguyên, Bình Thuận.


Ảnh minh họa

Bệnh nhân sởi vẫn đang tiếp tục tăng.

Tránh nguy cơ dịch chồng dịch

Thông tin mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng (TCM) đã xuất hiện tại 62 địa phương. Đáng lo ngại là trong lúc bệnh sởi vẫn đang ghi nhận các ca mắc mới hàng ngày, thì bệnh TCM đang quay trở và các dịch bệnh khác như thủy đậu, sốt xuất huyết cũng đang... vào mùa.

Theo khuyến cáo của PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, để ngăn không cho “dịch bệnh chồng dịch bệnh” có nguy cơ xảy ra, đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng thì phụ huynh nên đưa con đi tiêm ngay. Bên cạnh đó, thời điểm hiện nay là đầu mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh sởi lây lan, người dân cần đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng khí, mở cửa sổ nhưng đảm bảo không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virut trong môi trường.

Đối với những bệnh chưa có vắcxin phòng ngừa như TCM, sốt xuất huyết, người dân cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo của ngành y tế trong việc phòng bệnh, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã, làm vệ sinh... Khi trẻ bị TCM phải được cách ly ít nhất 10 ngày từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác..


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc