Bộ Y tế yêu cầu phân tuyến điều trị bệnh tay chân miệng

07:15, 01/05/2014
|

(VnMedia)  - Theo tin từ Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng năm nay có chiều hướng tăng cùng với các bệnh dịch khác như sởi, sốt xuất huyết Dengue.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) có dấu hiệu tăng cao, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đang xem xét những vùng nào có bệnh nhân đang mắc và có nguy cơ cao để can thiệp ngay, tránh bệnh lan ra diện rộng.

Theo ông Phu, bệnh thường có hai đỉnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận trên 17.000 ca bệnh nhân TCM, số ca bệnh thấp hơn mọi năm nhưng năm nay bệnh xuất hiện sớm hơn.

Theo ông Phu, khó khăn của việc phòng chống bệnh TCM là chưa có vắcxin phòng bệnh. Trong khi đó, bệnh TCM lây truyền qua đường ăn uống, tiêu hóa. Việc phòng bệnh duy nhất là vệ sinh bàn tay cho trẻ, khử khuẩn các đồ chơi, dụng cụ, nhà cửa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực và khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh như phân tuyến điều trị, tổ chức lọc bệnh nhân điều trị ngoại trú và điều trị nội trú.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhi các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị trên cần tiến hành kiểm tra, rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh của các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa nhi trực thuộc.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trên cần tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như công tác truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị...

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở.

Các bệnh viện cần phân tuyến điều trị, tổ chức lọc bệnh nhân điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho Đơn nguyên điều trị hồi sức bệnh ở tuyến tỉnh.

Các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh để tiếp nhận các ca bệnh nặng.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trên cũng phải tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công khi có yêu cầu.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc