Ban hành hướng dẫn mới chẩn đoán, điều trị bệnh sởi

07:07, 19/04/2014
|

 (VnMedia)  - Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa Đông Xuân, có thể xuất hiện ở người lớn. Ngày 18/4, Bộ Y tế đã có quyết định Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.

Hiện bệnh sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ như vệ sinh da, mắt, miệng họng, tăng cường dinh dưỡng; đồng thời bổ sung vitaminA cho trẻ nhỏ để tăng cường sức đề kháng. Sau đó, điều trị các biến chứng viêm phổi do virus, viêm phổi do vi khuẩn mắc trong cộng đồng, viêm phổi do vi khuẩn mắc tại bệnh viện, viêm thanh khí quản, viêm màng não cấp tính. 

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh sởi dẫn đến suy giảm miễn dịch cấp tính, ngay sau khi mắc sởi, cơ thể đáp ứng miễn dịch với các mầm bệnh, vi sinh vật khác rất kém. Vì vậy, ngoài phác đồ điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế công bố năm 2009, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế vừa họp và đã thống nhất sử dụng thêm Gamma globulin miễn dịch, một chất tăng cường sức đề kháng, miễn dịch cho bệnh nhân mắc sởi.

Đối với trường hợp nặng sẽ tiêm thẳng Gamma globulin vào tĩnh mạch, trường hợp ở mức độ trung bình sẽ tiêm vào bắp để nâng cao sức miễn dịch cho những người mắc bệnh sởi.

Cùng với việc bổ sung thêm phác đồ điều trị sởi như trên, ngành Y tế cũng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp kết hợp phát hiện sớm trường hợp biến chứng hô hấp, viêm não khi trẻ mắc sởi để phác đồ điều trị phù hợp nhất, hạn chế tối đa các ca tử vong. Ông Nguyễn Văn Kính cũng khuyến cáo người dân phải áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện; rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng; thông thoáng nhà cửa, nơi ở, nơi làm việc, bệnh viện…; tăng cường miễn dịch cho những người có nguy cơ mắc mà trọng tâm là tiêm phòng vắc xin.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Ngày 18/4, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi mới nhất. Theo hướng dẫn, bệnh sởi biểu hiện dưới 2 dạng: Thể điển hình và thể không điển hình.

Đối với thể điển hình có 4 giai đoạn bệnh: Giai đoạn ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).

Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 2-4 ngày với các biểu hiện: người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Ở thể không điển hình: Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.

Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh sởi gồm: Ho, sốt, viêm long (đường hô hấp, kết mạc mắt, tiêu hóa), hạt Koplik và phát ban đặc trưng của bệnh sởi.

Phòng bệnh chủ động bằng cách tiêm 2 mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định (Mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 khi 18 tháng tuổi).

Đối với người đã mắc bệnh, phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp; hạn chế tiếp xúc gần không cần thiết với người bệnh, thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban; tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

Bộ Y tế cũng quy định cụ thể hoạt động phân tuyến điều trị như: tuyến xã, phường tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh không có biến chứng; tuyến huyện tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp; tuyến tỉnh chăm sóc và điều trị tất cả các bệnh nhân mắc sởi có biến chứng; tuyến Trung ương chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng vượt quá khả năng xử lý của tuyến tỉnh.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc