Ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3:: Người chết do bệnh lao cao gần gấp đôi do tai nạn giao thông

06:43, 22/03/2014
|

(VnMedia) - Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tại Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phòng chống lao đến 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/3.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao. 
 
Để ngăn chặn bệnh lao bùng phát, ngành y tế Việt Nam cần sớm phát hiện và điều trị bệnh lao ngay tại cộng đồng và cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội; đổi mới kỹ thuật trong điều trị bệnh lao, đưa công nghệ mới đến với người bệnh thông qua việc chuẩn hóa cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ phòng chống lao.

Rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, Chương trình phòng chống lao tại Việt Nam đã được triển khai rất sớm và có những thời điểm đã từng trở thành chương trình mục tiêu quốc gia. Bệnh lao đã có thuốc điều trị cấp miễn phí cho người dân và có vắc xin phòng bệnh cho trẻ em. Hiện nay, bệnh lao không còn được coi là một trong tứ chứng nan y nữa mà bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Chính, đại điện Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết: Hiện trên cả nước đang triển khai phác đồ điều trị mới rút ngắn thời gian điều trị còn 6 tháng. Phác đồ chữa lao hiệu quả cũng đang được phát triển để có thể rút ngắn xuống còn 4 tháng, thậm chí là 3 tháng. Việt Nam sẽ là nước áp dụng đầu tiên thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao tiền siêu kháng thuốc vào cuối năm 2014. Hiện đã có 2 loại thuốc chống lao mới được phê duyệt. Đặc biệt dự kiến năm 2018, có thể sẽ có những vắc xin mới phòng lao hiệu quả hơn BCG hiện nay.

Ảnh minh họa

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phòng chống lao đến 2020, tầm nhìn 2030

Không để thiếu thuốc trong công tác điều trị bệnh lao

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, hiện nay trên 70% số người mắc bệnh lao là nông dân. Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước chủ trì các chương trình có liên quan đến nông thôn, người dân nghèo, cần coi nội dung phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ quan trọng.

Để công tác phòng, chống lao thời gian tới đạt kết quả, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt phải làm tốt công tác điều tra xác định chuẩn xác về số người mắc bệnh lao để theo dõi và điều trị ngay, tránh lây nhiễm sang cộng đồng. "Đối với bệnh lao phải bằng mọi cách không để thiếu thuốc điều trị, trong trường hợp cần thiết cần phải mua để chữa miễn phí cho bệnh nhân. Tại địa phương, y tế cơ sở, các tình nguyện viên cần quan tâm, theo dõi, động viên, nhắc nhở người bệnh uống thuốc và điều trị đúng phác đồ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương mục tiêu đặt ra từ năm 2015 đến 2020, Việt Nam phải giảm được 30% số người mắc lao, tức là trung bình phải giảm 6% mỗi năm; giảm 40% số người chết do lao trong 5 năm, tức là giảm 8%/1 năm. Trong khi tốc độ giảm 2 tỷ lệ này ở nước ta mới chỉ đạt 4,6% và 4,4%/1 năm.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra nhiều giải pháp như: Rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống bệnh lao; nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác phòng, chống bệnh lao; đồng thời đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh lao; tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, cung ứng thuốc chữa bệnh lao và hậu cần kỹ thuật phù hợp cho công tác phòng, chống bệnh lao kịp thời. Bên cạnh đó, Chương trình chống lao quốc gia hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực và thế giới để cùng giải quyết vấn đề phát hiện, điều trị và lan truyền bệnh lao qua biên giới cũng như các đối tượng di biến.../.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc