Ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng

07:26, 08/02/2014
|

(VnMedia)  - Theo tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân gia tăng đáng kể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Điều đặc biệt là có nhiều trường hợp bệnh nặng phải điều trị kéo dài. Thậm chí, có trường hợp tử vong do uống quá nhiều rượu như trường hợp của một bệnh nhân nam 32 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội) nhập viện vào chiều mùng 3 Tết trong tình trạng hôn mê sâu, rối loạn tri giác, tổn thương não, huyết áp tụt sâu, gan thận tổn thương… Sau hơn một ngày điều trị tích cực bằng thở máy, lọc máu liên tục nhưng đến chiều mùng 4 Tết, sức khỏe bệnh nhân không tiến triển mà càng xấu đi và gia đình đã xin bệnh viện cho bệnh nhân về nhà. Đây là một trong số 5 trường hợp ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu và điều trị trong 4 ngày Tết vừa qua.

Theo nhận định của các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc nhận định, số ca ngộ độ rượu sẽ còn tăng mạnh do tháng Giêng vì đây là thời điểm bạn bè, cơ quan, doanh nghiệp tụ tập liên hoan nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo, số ca ngộ độc tăng lên là do người dân uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc hoặc được pha bằng cồn công nghiệp.

TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu.

Theo ước tính của Cục An toàn thực phầm, cả nước có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới một triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Lượng rượu tiêu thụ mỗi năm rất lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng, trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Rượu được bán khắp nơi từ các quán vỉa hè tới những cửa hàng, khách sạn sang trọng và phục vụ nhiều loại đối tượng.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu còn chưa hoàn chỉnh theo yêu cầu thực tiễn; còn chồng chéo trong phân cấp quản lý, sự phối hợp kết hợp chưa chặt chẽ ngành nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, chính quyền, các cơ quan chức năng tại địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu; việc xử lý các hành vi vi phạm thiếu triệt để.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo không uống quá nhiều rượu (dưới 30 ml một ngày nếu rượu có nồng độ từ 30% trở lên). Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol cao hơn 0,05% vì những chất này có thể gây mù mắt và tử vong cao. Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia. Cấm người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước có nồng độ cồn từ 14 độ trở nên.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không nên uống khi không biết rõ nguồn gốc của rượu; khi rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền và khi cơ thể đang đói, mệt hoặc căng thẳng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc