Hơn 4 vạn cơ sở không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm

20:53, 18/07/2013
|

(VnMedia) - Trong 6 tháng năm 2013, qua công tác thanh kiểm tra cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 40.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm  (Bộ Y tế) cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức chiều nay (18/7/2013).

Cụ thể tại 63 tỉnh, thành cơ quan chức năng đã thành lập 10.897 đoàn thanh tra, kiểm tra. Qua thanh kiểm tra tại 199.794 cơ sở thì phát hiện có 41.785 cơ sở không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy số cơ sở không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trên chiếm tỷ lệ 20,09%. Cơ quan chức năng đã xử lý phạt hành chính 11.910 cơ sở (28.50%); Phạt tiền 2.411 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 3,8 tỷ đồng.

Ảnh minh họa


Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, trong sáu tháng đầu năm, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người đi viện và 18 trường hợp tử vong.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2012, ngộ độc thực phẩm đã giảm cả về số vụ, số người chết và phải đi viện. Cụ thể, số vụ ngộ độc giảm 4 vụ, số người bị ngộ độc giảm 620 người, số người đi viện giảm gần 300 người và tử vong giảm 4 người.

Nguyên nhân của các vụ ngộ độc được xác định bằng xét nghiệm và lâm sàng cho thấy, có 44 vụ ngộ độc là do vi sinh vật, 18 vụ do độc tố tự nhiên, 3 vụ do hóa chất và 22 vụ chưa xác định rõ căn nguyên.

Ông Phong phân tích, quý 2 vừa qua là thời điểm thời tiết nắng, nóng kèm theo đó là các cơn mưa và bão khiến các loại thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất. Các loại thực phẩm như đỗ, lạc, ngô, ngũ cốc nói chung dễ bị mốc, hỏng gây ngộ độc thực phẩm.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua, tình hình buôn lậu qua biên giới vẫn xảy ra, các mặt hàng buôn lậu bao gồm cả các sản phẩm thực phẩm như trái cây, hóa chất, chất phụ gia, gà thải loại... không rõ nguồn gốc.

Để sử dụng thực phẩm đúng cách trong những ngày nắng nóng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên chọn thực phẩm tươi sạch, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu và quá hạn.

Bên cạnh đó, người dân thực hiện việc ăn chín, uống sôi; nên ăn ngay sau khi chế biến xong, đun kỹ lại thức ăn trước khi sử dụng; không để lẫn thức ăn, dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín; rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với những nguồn gây ô nhiễm khác.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc