Ngành Y tế quyết liệt giảm quá tải bệnh viện

07:27, 24/03/2013
|

(VnMedia) - Ngày 22/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Đề án "Giảm quá tải bệnh viện;" Chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Khuyến khích đào tạo một số chuyên ngành.

Mục tiêu của đề án là từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám chữa bệnh và điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối của hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định thời gian qua, ngành y tế đã tập trung đổi mới toàn diện công tác khám chữa bệnh; đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đã được Chính phủ phê duyệt nhiều đề án giúp giảm quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, thời gian qua, công tác khám chữa bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu khám bệnh tăng cao, giảm tải chưa đạt yêu cầu.

Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần chấn chỉnh như khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn rườm rà, thái độ phục vụ, ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế gây khó khăn cho bệnh nhân, năng lực chuyên môn tuyến dưới ở một số chuyên khoa còn hạn chế...

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh-Bộ Y tế, năm 2012, cả nước đã tăng được 11.599 giường bệnh theo kế hoạch và 12.711 giường bệnh thực kê.

Đồng thời,  các bệnh viện đẩy mạnh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện. Cụ thể, triển khai dịch vụ 1080 hẹn khám, đã giảm được thời gian chờ làm thủ tục của người bệnh trong quy trình khám bệnh được từ 15 đến 50 phút tại các bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM).

Theo số giường bệnh thực kê, bình quân đạt 24,7 giường bệnh/vạn dân; số lượt khám chữa bệnh tăng 6,8% (so với năm 2011) với tổng số 132 triệu lượt người bệnh khám tại các cơ sở bệnh viện; nhu cầu điều trị nội trú tăng 6%; nhu cầu điều trị ngoại trú cũng khá cao ở cả ba tuyến điều trị, trong đó bệnh viện tuyến Trung ương tăng 18%.

Như vậy, công suất sử dụng giường bệnh trên cả hệ thống khám chữa bệnh có giảm nhẹ; mức độ giảm đều của các tuyến bệnh viện dao động từ 1-2%; trong đó bệnh viện tuyến trung ương vẫn có công suất sử dụng giường bệnh lớn nhất là 112,5%.


Ảnh minh họa

Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh minh họa.

Cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng đời sống cán bộ y tế

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, quy trình khám bệnh tại BV hiện có 12 bước. Nhưng theo quy trình đang được Bộ Y tế xây dựng thì khám bệnh lâm sàng chuyên khoa và đa khoa chỉ còn 4 bước, khám lâm sàng có xét nghiệm tăng lên thành 6 bước. Các trường hợp cần chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, quy trình khám bệnh sẽ tăng lên thành 7-8 bước. Để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, quy trình này đặt khâu thu viện phí vào phần cuối, tức trước khi lĩnh đơn thuốc, nhằm tránh quá tải ở đầu vào.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đây đã nói nâng chất lượng dịch vụ, nhưng toàn nói chung chung. "Cải tiến chất lượng dịch vụ cần dựa trên các yếu tố: Con người, cơ chế tài chính, quy tắc ứng xử, cơ sở vật chất… Không có con người thì không thể cải tiến chất lượng được". Do vậy, Bộ Y tế sẽ trình đề xuất tăng lương khởi điểm và ưu đãi theo thâm niên cho cán bộ y tế như với những gì mà cán bộ ngành giáo dục đang được hưởng. Tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho cán bộ y tế là giải pháp quan trọng để cán bộ ngành y toàn tâm toàn ý hơn với việc cứu người.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc