Tỉnh táo trước lời "đường mật" của phòng khám

10:43, 22/07/2012
|

(VnMedia) - Sau những sai phạm nghiêm trọng của nhiều phòng khám Đông y Trung Quốc, người bệnh chúng ta nên sáng suốt hơn khi lựa chọn cơ cở khám chữa bệnh, không nên nghe những lời quảng cáo "trên trời| trong các tờ rơi, tạp chí...

Báo động phòng khám Đông y Trung Quốc

Cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tại phòng khám Maria (Hà Nội) còn chưa kịp lắng xuống thì một bệnh nhân khác của phòng khám có yếu tố Trung Quốc tại TP.HCM lại nguy kịch chỉ vì cắt trĩ.

Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Lan, 28 tuổi, tỉnh Bình Phước đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy bởi biến chứng sau khi mổ tại một phòng khám Trung Quốc tại TP.HCM. Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ tại xã Đồng Xoài, huyện Tân Tiến, tỉnh Bình Phước mắc bệnh trĩ đã 6 năm.


Ảnh minh họa

Bệnh nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy


Dù được chẩn đoán là trĩ ngoại, chỉ cần uống thuốc theo dõi nhưng chị vẫn được yêu cầu nhập viện để mổ với số tiền lên đến 20 triệu đồng. Nhập viện để mổ vào 16h30 ngày 19/7 tại cơ sở y tế này thì đến 18h cùng ngày, chị Lan đã phải chuyển viện gấp sang bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng chảy máu ồ ạt, bước đầu xác định là do biến chứng chảy máu đường chỉ khâu.

Theo bác sĩ, Tiến sĩ Lâm Việt Trung, Phó Trưởng Khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM  cho biết: “Nếu không cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ chảy máu nặng, ồ ạt. Nếu bệnh nhân ở những cơ sở y tế xa, có thể nguy hiểm đến tính mạng”. Điều đáng nói là khi chuyển viện sang Chợ Rẫy, chị mới biết phòng khám Huê Hạ đã bị tước giấy phép hành nghề.

Vụ việc này lại một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về việc khám chữa bệnh tại những phòng khám, cơ sở y học Trung Quốc. 

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Hàng loạt sai phạm của các phòng khám đông y trong cả nước đã gây nhức nhối dư luận, khi không chỉ làm tổn hại tới sức khỏe và kinh tế của người bệnh, mà còn gây mất niềm tin trong xã hội. Điều này chỉ ra công tác quản lý của cơ quan Nhà nước cần phải nghiêm túc xem xét lại.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, qua những  sự việc này, trách nhiệm thuộc về người Việt Nam. Những người Việt Nam vì tiền đã cho những người không có bằng cấp chuyên môn, không có giấy phép hoạt động vào phòng khám khám “chui” cho người bệnh. Theo đó, việc xử phạt người đứng đầu cơ sở khi có sai phạm cần phải nghiêm túc hơn thì mới tăng cường trách nhiệm của họ với hoạt động của phòng khám do họ quản lý, đứng đầu.

TP.HCM và Hà Nội là hai thành phố lớn có các phòng khám đông y vi phạm nhiều và không phải chỉ trong thời gian ngắn. Tại Hà Nội, đợt kiểm tra đột xuất các phòng khám đông y có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội cuối 2011 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm.  Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt 7/13 phòng khám vi phạm, nhưng mức độ xử phạt còn quá nhẹ so với những vi phạm, rõ ràng việc xử phạt không có tính răn đe, chỉ là xử lý cho xong. Đó chính là một trong lý do để các phòng khám tái diễn vi phạm.

Những mặt trái của một số phòng khám đông y đã gây hệ quả đáng lo ngại, khi tác động xấu đến đời sống, tâm lý người dân, xáo trộn an ninh xã hội. Các vi phạm mang tính hệ thống này đã chỉ ra sự quản lý lỏng lẻo của ngành y tế với trách nhiệm không thể phủ nhận.

Bộ máy quản lý bộc lộ sự yếu kém khi lúng túng trong việc đề xuất các biện pháp hữu hiệu, khiến công tác quản lý đi sau thực tế quá xa. Điều đặc biệt là hầu hết các vụ việc đều do báo chí phát hiện, sau đó, thanh tra của Bộ Y tế và Sở Y tế mới chạy theo.

Được biết, Sở Y tế TP HCM đang tiến hành thu hồi giấy phép các phòng khám vi phạm, còn Hà Nội chưa có biện pháp quyết liệt để rút giấy phép những cơ sở đã nhiều lần vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nhất là, bảo vệ sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa y tế? 

Ảnh minh họa

Phòng khám Maria.

Hãy là người bệnh sáng suốt

Không phải chỉ bây giờ và không chỉ phòng khám Maria mới chặt chém bệnh nhân. Đây cũng không phải lần đầu phòng khám này bị tố và xử phạm vì vi phạm trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Nhưng thực tế tại sao người bệnh lại thích khám ở những phòng khám tư nhân,có bác sĩ ngoại, chi phí cao? Công bằng mà nói, nền y tế công lập cũng có rất nhiều nhược điểm: Đông đúc, chật chội, quá tải, một số nhân viên y tế thiếu y đức... và đặc biệt những phòng khám này còn thực hiện nhiều đoạn phim công phu, và tiến hành quảng cáo liên tục trên các đài truyền hình, đài phát thanh...Những hình thức trên, cộng với các thông tin về hiệu quả chữa bệnh, các loại thuốc luôn được thổi phồng, và cả các “chuyên gia y tế Trung Quốc được Bộ Y tế cấp phép”… đã đánh trúng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của nhiều người.

Nhưng, chúng ta cũng cần phải hiểu, một khoa trong bệnh viện chỉ có vài chục chiếc giường, nhưng phục vụ hàng trăm  bệnh nhân thì việc đòi hỏi phong cách "phục vụ" bệnh viện công phải như bệnh viện tư hay bệnh viện nước ngoài là điều khó.

Trong khi cơ quan quản lý chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, nhất là bác sĩ nước ngoài khám bệnh chui và các các quảng quảng không đúng thực tế của các phòng khám thì người bệnh nên sáng suốt, khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế của Nhà nước. Còn nếu đến cơ sở y tế tư nhân, nên đến nơi đã được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép. Người dân cần tự tìm hiểu để tránh bị lừa, chứ không nên nghe theo những lời quảng cáo trong các tờ rơi, hay sự giới thiệu của cơ sở đó.

Theo báo cáo số 584 của Bộ Y tế, đến tới 29/6 cả nước có 41 thầy thuốc Trung y Trung Quốc đang hành nghề tại 16 tỉnh, thành Việt Nam với nhiều vi phạm. TP.HCM nhiều nhất với 11 người hành nghề tại 7 cơ sở, Hà Nội có 7 người hành nghề tại 5 cơ sở, Hải Phòng có 4 người hành nghề tại 3 cơ sở, Cần Thơ có 4 người, các tỉnh còn lại có từ 1- 2 người.

Ngày 21/7, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hải Phòng đã tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài trên địa bàn nhằm chấn chỉnh kịp thời các hoạt động về chuyên môn khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân.

Đoàn kiểm tra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Phòng khám số 345, phố Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) do không xuất trình đầy đủ các loại hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thuốc, sử dụng một số loại thuốc hoàn tán không rõ nguồn gốc, không có tem phụ tiếng Việt; một số thuốc hết hạn, thuốc không có giấy phép nhập khẩu. Toàn bộ số thuốc này được Đoàn kiểm tra thu hồi, niêm phong để xử lý.


 


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc