Chất tạo nạc thịt heo: Bộ này cấm, bộ kia cho

10:58, 23/03/2012
|

Nhiều ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn lưu hành trên thị trường là sự không thống nhất giữa hai bộ. Cụ thể, chất mà Bộ NN&PTNT cấm thì Bộ Y tế lại cho phép để chữa bệnh cho người.

Tại cuộc họp giữa các sở ngành tỉnh Đồng Nai sáng 22/3, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết trong quý 1/2012, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 51 mẫu dương tính (20 lô heo) trên 113 mẫu (bằng phương pháp định tính Elisa) của đợt kiểm tra tồn dư chất cấm trong nước tiểu heo có nguồn gốc từ Đồng Nai.

Nhiều ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn lưu hành trên thị trường là sự không thống nhất giữa hai bộ. Cụ thể, chất mà Bộ NN&PTNT cấm thì Bộ Y tế lại cho phép để chữa bệnh cho người khiến công tác quản lý hiện nay gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, đề nghị: “Việc quản lý lưu hành chất cấm trong chăn nuôi cần phải có sự đồng thuận, quy định chung của hai bộ NN&PTNT và Y tế, vì nhiều người lợi dụng sự cho phép lưu hành của Bộ Y tế lại đưa vào chăn nuôi để kiếm lợi nhuận”.

Trung tá Phan Trọng Lộc, phó trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đồng Nai, cho hay hiện một số chất cấm trong ngành thú y lại không thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu trữ nên rất khó có thể xử lý hình sự.

Sở NN-PTNT Đồng Nai thừa nhận yếu kém

Hôm 22/3, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan và lãnh đạo 11 huyện, thị xã, thành phố, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã thừa nhận yếu kém trong quản lý chăn nuôi, quản lý giết mổ, quản lý kinh doanh thuốc thú y.

Tại cuộc họp, ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, thừa nhận, sau khi Báo chí có loạt bài phản ánh việc sử dụng chất cấm, qua kiểm tra chúng tôi thấy việc báo nêu là đúng. Để xảy ra việc này, có trách nhiệm từ trên xuống dưới, từ ngành nông nghiệp đến chính quyền địa phương.

Quá trình kiểm tra, chúng tôi thấy có nhiều yếu kém trong quản lý nhà nước về chăn nuôi, quản lý giết mổ, quản lý kinh doanh thuốc thú y và cả công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm, trong đó có trách nhiệm của giám đốc sở và phó giám đốc sở phụ trách ngành. UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN-PTNT làm đầu mối chấn chỉnh các hoạt động này".

Ông Đạo dẫn chứng sự yếu kém trong quản lý: Sau khi Báo nêu vụ việc cụ thể nhưng các cơ quan của sở tác nghiệp rất chậm. Hai cơ sở kinh doanh thuốc thú y Duy Hào và Gấu (tại Trảng Bom) mà báo nêu, tôi đã chỉ đạo xử lý liền nhưng 2 tuần sau Chi cục Thú y mới chuyển hồ sơ.

Nhà nước đã có quy định cụ thể 18 loại chất cấm nhưng công tác tuyên truyền còn mờ mờ ảo ảo. Nếu quản lý tốt thức ăn chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, giám sát người chăn nuôi, quản lý tốt thị trường thì người ta lấy đâu ra chất cấm”. Ông Đạo đề nghị các địa phương và Chi cục Thú y, trong tuần này phải hoàn chỉnh lại kế hoạch theo hướng quy trách nhiệm rõ ràng của từng ngành, từng địa phương.

Về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng phải báo cáo trước ngày 30/3, ông Đạo đề nghị các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đảm bảo tính đồng bộ, mang tính lâu dài để tổng hợp trình UBND tỉnh Đồng Nai.

Sẽ công bố rõ nơi nào có, nơi nào không

Chiều 22/3, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, thừa nhận Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.

Liên quan đến việc xử lý diễn biến vụ việc này, ông Dương nói: Chiều 22/3, theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Y tế và các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT để tập trung bàn về chủ đề quan trọng này.

Dù chưa nhận được báo cáo bằng văn bản chính thức, nhưng ngay tại cuộc họp tôi nhận được thông tin cho biết sau gần một tuần phân tích lượng hàng gần 2,5 tấn chất tăng trưởng do quản lý thị trường Ðồng Nai phát hiện ngày 12/3 tại Công ty TNHH Nhân Lộc (huyện Vĩnh Cửu, Ðồng Nai), Trung tâm Ðo lường chất lượng 3 (Bộ Khoa học - công nghệ) đã có kết quả phân tích định lượng cho thấy số hàng này âm tính với các chất cấm.

Thật ra, kết quả phân tích định lượng mới là cơ sở để kết luận có chất cấm hay không. Còn kết quả lấy mẫu nước tiểu, thịt heo ở một số địa phương như Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ là kết quả phân tích định tính, khác xa với kết quả phân tích định lượng. Việc Chi cục Thú y TP.HCM lấy 11 mẫu nước tiểu, thịt heo phân tích, kết quả 43% mẫu nước tiểu và 26% mẫu thịt heo dương tính với chất cấm cũng chỉ là định tính và mang tính chất nghiên cứu ở phạm vi nhỏ. Vì thế chưa thể kết luận toàn bộ địa phương đó, vùng đó thịt heo có chất cấm.

Tôi cũng xin nhấn mạnh để kết luận thịt heo có chất cấm hay không cần phải phân tích định lượng, và việc phân tích chỉ được thực hiện tại các trung tâm, phòng thí nghiệm chuyên ngành mà Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế cho phép.

Chính phủ yêu cầu trong tháng 3 Bộ NN&PTNT phải kiểm tra, lấy mẫu phân tích để có kết quả công bố. Hiện các đoàn công tác của bộ cũng như các địa phương đang khẩn trương kiểm tra, lấy mẫu nên chắc phải tuần đầu tháng 4 chúng tôi mới tổng hợp kết quả, công bố. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là công bố rõ nơi nào có, nơi nào không có chất cấm để người dân yên tâm.

Cảnh giác với chất tạo nạc

Theo các nhà khoa học, chất tạo nạc thường là hoocmôn kích thích tăng trưởng họ beta-agonist (salbutamol, chlebutarol), phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chất này đã bị Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới cấm sử dụng, ngay cả VN đã cấm sử dụng trong chăn nuôi 10 năm nay.

Các loại chất tạo nạc này tồn dư trong thịt heo sẽ chuyển sang cơ thể người sử dụng và ảnh hưởng nhiều cơ quan khác nhau như gan, não... Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ.

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết không nên chọn thịt quá nhiều nạc, màu quá đỏ vì rất dễ là thịt heo có chứa chất tạo nạc. Hơn nữa, người tiêu dùng không nên có quan niệm thịt nhiều nạc, thịt đỏ tươi mới là thịt ngon, cũng như gà da thật vàng, trứng có lòng đỏ tươi là tốt. Bởi chính những tâm lý này nên một số người chăn nuôi hay thương lái mới tìm cách trộn các chất tạo màu vào thức ăn. Ngay cả với những chất màu được phép sử dụng thì giá trị dinh dưỡng của quả trứng, con gà màu đẹp hơn cũng không cao hơn, chỉ có giá cao hơn vì phải tốn tiền mua thêm chất tạo màu.



(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc