Không tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà

07:13, 15/08/2015
|

(VnMedia) - Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến hết tháng 7/2015 là 693 ca, và 75% trong số đó là số ca mắc trong tháng 6 và 7. Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết của tháng 7 là 357, tăng chóng mặt so với 168 ca của tháng 6.

Dự báo, dịch sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 8,9

Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người lớn, trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%.
Không riêng gì Hà Nội, tại TP HCM từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận từ các cơ sở y tế trên địa bàn đã lên tới 6.104 trường hợp, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014.

Dự báo, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng tiếp tục tăng nhanh trong tháng 8 và tháng 9 sắp tới.

Tuy chưa có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, nhưng rõ ràng đây là những con số đáng báo động, nếu người dân không nâng cao ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây lan thành dịch. Ngành y tế lo ngại trong thời gian tới, bệnh này còn diễn biến phức tạp vì thời điểm này mới bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa

Dịch bệnh sốt xuất huyết gia tang mạnh. Ảnh minh họa.

Ngày 14/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tình hình sốt xuất huyết năm 2015 sẽ tăng cao nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Hiện nay đang bước vào thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, vì vậy người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh.

Cụ thể, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn. Đồng thời, hàng tuần, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. 

Theo PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc tham gia tích cực của người dân vào các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng.

Không tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà
  
 Thể bệnh nhẹ: (thường là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong)
 
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. 
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. 
- Có thể có nổi mẩn, phát ban.
 
 Thể bệnh nặng: (thường là thể sốt xuất huyết dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%)
 
Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
 
- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). 
- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

-Lưu ý đặc biệt, khi bị sốt kéo, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc