Giúp trẻ cách sử dụng tiền lì xì hợp lý

08:04, 19/02/2015
|
(VnMedia) - Lì xì là một điều không thể thiếu trong những ngày tết của người dân Việt Nam và đã trở thành phong tục lâu đời. Đó là việc bỏ tiền vào phong bì màu đỏ có in những hình trang trí bên ngoài để mừng tuổi các em nhỏ.

Thực tế, ngày nay, việc lì xì còn mang nhiều nghĩa khác như trả ơn (khi người lớn có ơn nghĩa với nhau, tết cũng là dịp để họ trả nghĩa như quà cáp hay tiền lì xì cho con cháu người đó), đút lót (nhất là cấp dưới đối với cấp trên), nhờ vả, có khi do ngại ngần hoặc do thói quen sử dụng tiền có mệnh giá cao…cho nên số tiền lì xì không còn là một khoảng tiền nhỏ tượng trưng, mà là một con số lớn, nhiều trẻ em Việt Nam sau mỗi tết có từ một đến vài triệu là điều bình thường. Vậy, hướng dẫn trẻ sử dụng số tiền ấy như thế nào cũng là một vấn đề đối với phụ huynh, với mục đích cho trẻ hiểu ý nghĩa của tiền lì xì, lễ nghĩa và học tính tiết kiệm.

Theo thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Bệnh viện Nhi đồng 1, các bậc cha mẹ đừng quá phiến diện cho rằng trẻ biết tiêu tiền đồng nghĩa với đua đòi, hư hỏng. Việc sử dụng đồng tiền có thể giúp bé phát triển trí thông minh, khả năng tính toán và quản lý cuộc sống. Chắc hẳn không ai đánh giá cao những đứa bé 12, 13 tuổi dù ngoan ngoãn nhưng lúng túng, bỡ ngỡ trong việc tự mua sắm vài món đồ dùng cho bản thân. Nó thể hiện sự thụ động, thiếu tự tin và yếu về kỹ năng sống. Việc làm cần thiết là phụ huynh khéo léo cùng trẻ vạch ra kế hoạch chi tiêu.

Các bậc cha mẹ cần giáo dục trẻ cách sử dụng tiền bạc ngay từ nhỏ, để trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, không hoang phí. Đồng thời qua đó, cha mẹ cũng dạy cho trẻ biết được ý nghĩa của việc mừng tuổi, giúp trẻ nhận thấy giá trị tinh thần đẹp đẽ trong việc làm này. Ngoài ra, cần hình thành cho trẻ cách ứng xử tinh tế, khéo léo khi bày tỏ sự cảm ơn đối với người đã lì xì.
Hướng dẫn trẻ cách ứng xử khi nhận tiền lì xì từ người lớn

Chị Nguyễn Thanh L. (Yên Hòa) Cầu Giấy cho biết, Tết năm ngoái có khách tới nhà chơi, khi khách lì xì mừng tuổi cho con gái của chị, bé rất mừng và vội vàng cảm ơn, sau đó bé mở lì xì ra, thấy tờ 20.000 đồng, bé lẩm bẩm “Ki bo” khiến cho cả khách và cha mẹ đều ngại.

Bên cạnh đó, có cháu khách đến nhà chơi Tết có lì xì thì đã từ chối và nói: “Cháu có rồi!”, người lớn ép lây nhưng sau đó cháu lại vất ngay ra ghế. Có những cháu bé thì khách vừa đến đã nhắc đòi tiền lì xì.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

 
Đó là những trường hợp không phải là hiếm ở bất cứ gia đình nào, tạo tình huống ngại ngùng cho cả phía phụ huynh lẫn khách đến chơi, vì vậy, thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh cho biết, hướng dẫn trẻ cách nhận tiền lì xì nói riêng, quà cáp nói chung là một điều cần thiết trong mọi tuổi.

- Điều chung nhất cho mọi tuổi là phụ huynh cần nói với trẻ trước về ý nghĩa tiền lì xì (có thể nói khi cha mẹ lì xì cho con cái), và đều được nhắc lại hàng năm, để trẻ hiểu được trẻ đang nhận được gì từ phong lì xì này mang lại chứ không đơn giản là tiền. Phụ huynh đừng ngại khi nói điều đó với trẻ dưới 5 tuổi, vì kèm theo lời chúc may mắn, sức khoẻ, mau lớn, học giỏi…trẻ sẽ dần hiểu được ý nghĩa của tiền lì xì.

- Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bạn có thể hướng dẫn trẻ nhận tiền, cám ơn và có những lời chúc đáp lại ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những lời khen cho những lời chúc đáng yêu đó là một phần thường khuyến khích lớn đối với trẻ. Sau khi nhận tiền xì lì, phụ huynh có thể hướng dẫn con bỏ vào một cái ví riêng hoặc đưa cho ba mẹ giữ, điều này tránh việc trẻ để thất lạc tiền hoặc làm rách tiền.

- Đối với trẻ 6-10 tuổi, phụ huynh có thể hướng dẫn con em mình cách cho và nhận quà, tiền, phần thưởng như thế nào qua lời cảm ơn, khi nào mở quà là phù hợp…

- Đối với trẻ vị thành niên, các em đã ít nhiều tự biết cách cư xử nếu sống trong một nền giáo dục tốt của gia đình và nhà trường, và các em cũng nhạy cảm hơn, vì vậy, những lời nhắc khéo léo sẽ có tác dụng hơn những lời mắng, và việc bạn làm gương cho trẻ là điều cần thiết trong cách ứng xử khi nhận và cho tiền, quà.

Hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền lì xì hợp lý

Dạy cho trẻ về tính tiết kiệm và dùng tiền đúng chỗ theo từng lứa tuổi: việc trẻ dùng tiền lì xì như thế nào có liên quan việc hướng dẫn cách trẻ sử dụng tiền trước đó.

- Đối với trẻ dưới 5 tuổi: tập cho trẻ đếm với tiền thật, tiền mệnh giá thấp, tránh tiền xu.

- Đối với trẻ từ 6 đến 10 tuổi: Cùng với việc dạy trẻ lựa chọn, phụ huynh có thể hướng dẫn con: “Con có chừng này tiền, hãy chọn thứ mà con định mua và giải thích cho mẹ vì sao con chọn nó”. Tránh sử dụng các từ ngữ như “Nếu mình mua món đồ chơi này thì Mẹ và Bố sẽ không có đủ tiền để mua thức ăn nữa”. Điều đó có thể rất hiệu nghiệm trước mắt, nhưng sẽ dễ gây ra một áp lực và cảm giác có lỗi cho trẻ, nhất là đối với trẻ nhạy cảm. Bắt đầu dạy trẻ tiết kiệm tiền bằng cách để dành một khoản nhỏ trong số tiền mình có để tiết kiệm.

- Đối với trẻ từ 9 đến 12 tuổi: Hãy để con bạn trích một phần tiền tiêu vặt của mình để mua những món quà nhỏ cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt trong các dịp sinh nhật hoặc lễ tết. Nó có thể đơn giản là vài viên kẹo để chia sẻ với mọi người. Điều này có thể giúp bé học cách biết chia sẻ, cũng như là quy định khoản ngân sách của chính mình. Thỉnh thoảng có thể gọi bé đến ngồi cùng bạn khi bạn thanh toán các hóa đơn trong gia đình, để bé có thể hiểu được những khoản tiền trong tháng cần chi dùng cho gia đình là bao nhiêu so với thu nhập của cha mẹ.

- Đối với trẻ vị thành niên: Cùng con lập ra những kế hoạch lâu dài, như dành dụm tiền cho con đi học đại học, hoặc mua xe máy mới khi con có việc làm, để giúp con biết tiết kiệm cho những mục đích dài lâu. Nếu con bạn đang làm thêm và biết cách tiêu tiền có trách nhiệm, hãy bàn bạc với con để sử dụng món tiền đó hợp lý. Có thể đề nghị con bạn cùng chia sẻ những khoản chi phí trong gia đình như một người trưởng thành và có trách nhiệm thực sự. Trở lại vấn đề hướng dẫn con sử dụng tiền lì xì, nếu được dạy cách dung tiền theo lứa tuổi như trên, trẻ sẽ biết cách tiết kiệm và dung tiền lì xì như thế nào cho hợp lý theo từng lứa tuổi.

Cha mẹ có nên giữ tiền của trẻ?

Nếu cha mẹ muốn giữ tiền của trẻ thì cần phải thỏa thuận và nhận được sự đồng ý của trẻ. Tuyệt đối không tự mình đưa ra quyết định giữ tiền. Vì nếu cha mẹ càng cố gắng giữ tiền, trẻ càng cố gắng giấu giiếm và tiêu xài cho những mục đích không tốt. Do vậy, thay vì ép buộc con, hãy khuyên răn, định hướng để con trưởng thành hơn trong suy nghĩ của mình về việc tiêu và quản lý tiền.
 

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc