Bệnh đái tháo đường "tấn công" trẻ em Việt

13:38, 18/11/2014
|

(VnMedia)   - Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chỉ có người lớn mới mắc bệnh đái tháo đường, nhưng trên thực tế đã có rất nhiều trẻ bị căn bệnh nguy hiểm này.

ThS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh đái tháo đường type 2 được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” do bệnh âm thầm tiến triển trong cơ thể con người. Số lượng không nhỏ có thể phát hiện ra  mình bị bệnh khi đã có biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch… Người bệnh phát hiện muộn sẽ gây thêm những tốn kém cho công tác điều trị bệnh, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống. 
 
Theo ThS.BS. Phan Hướng Dương, bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi. Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ ngày càng nhiều, từ 11-15 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh ở lứa tuổi này. Trẻ béo phì bị đái tháo đường thường do học tập liên tục, không chơi thể thao, ăn thức ăn nhiều năng lượng như ăn đồ ăn nhanh.

Đái tháo đường type 2 ở trẻ em rất khó phát hiện vì trẻ đi khám sức khỏe nhưng hầu như lại không xét nghiệm đường huyết. Trẻ chỉ được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường type 2 khi có những biểu hiện như mệt mỏi, sụt cân. Nhiều trẻ ốm đi truyền dịch, sau đó xét nghiệm thấy lượng đường huyết trong máu mới phát hiện được bệnh.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Dấu hiệu trẻ mắc bệnh đái tháo đường

Triệu chứng chính ở trẻ em cũng tương tự như người lớn. Chúng có dấu hiệu xuất hiện trong một vài tuần như:

- Mệt mỏi: Các bệnh nhân tiểu đường thường cảm thấy mệt mỏi vì thiếu năng lượng do hầu hết lượng đường trong cơ thể bị thải ra ngoài, không được chuyển hóa vào các tế bào.

- Hay khát: Cũng như người lớn, một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường ở trẻ là hay khát nước do sự gia tăng mức đường huyết, đặc biệt là trẻ thích tiêu thụ các loại thức uống ngọt.

 

- Đi tiểu nhiều: Lý do đi tiểu nhiều là do trẻ uống nước liên tục, thường xuyên.

 

- Nhanh đói: Trẻ mắc bệnh đái tháo đường cũng luôn có cảm giác đói. Lý do bởi cơ thể thiếu insulin giúp chuyển hóa đường vào các tế bào, khiến cơ thể trẻ bị mất năng lượng, dẫn đến cảm giác đói.

 

- Giảm cân: Mặc dù ăn uống nhiều nhưng trẻ mắc bệnh đái tháo đường thường bị giảm cân đáng kể.

 

Thị lực kém: Khi lượng đường huyết cao sẽ làm cho mức chất lỏng tích lũy trong cơ thể trẻ gia tăng, trong đó bao gồm cả mắt. Tình trạng này có thể gây khiến thị lực ở trẻ kém đi.

 

Nhiễm nấm: Một trong các triệu chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường ở trẻ,là tình trạng nhiễm nấm men ở các cơ quan quan trọng, đặc biệt là ở trẻ gái.

 

Tính tình thay đổi: Các biểu hiện của bệnh đái tháo đường có thể gây ảnh hưởng đến tình tình của trẻ, trẻ trở lên khó tính, hay cáu...

Ngoài ra chúng còn có các triệu chứng khác đối với trẻ như đau đầu, đau bụng và có những hành vi khác thường.

Tầm soát đái tháo đường ở trẻ em

Chế độ ăn uống: Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp trẻ có chế độ ăn uống hợp lý trong quá trình điều trị. Nhưng quan trọng hơn, cha mẹ phải giúp con mình thực hiện được chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là nhiều chất xơ và carbohydrates, hạn chế ăn bánh kẹo ngọt.

Giúp trẻ có nhhững hiểu biết về phản ứng của cơ thể trong việc ăn uống, tiếp nhận insulin và ăn đồ ngọt điều độ ở mức có thể - được kèm thèo bởi liều lượng insulin phải tiêm.

Hoạt động thể chất : Hoạt động thân thể rất quan trọng đối với trẻ bị mắc tiểu đường, vì vậy hãy khuyên con bạn phải tập thể dục hàng ngày. Hoạt động thân thể sẽ làm giảm lượng đường trong máu, vậy nên nếu con bạn phải tiêm insulin thì liều lượng cần được giảm xuống. Tốt nhất là cho trẻ ăn bánh mỳ, nước hoa quả hoặc thức ăn cung cấp carbohydrates khác trước khi tập.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc