Bạn dùng thuốc nhỏ mắt đúng cách chưa?

17:34, 02/10/2014
|

(VnMedia) - Thuốc nhỏ mắt có tác dụng tại chỗ và được dùng để phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh tại mắt. Tuy nhiên, dùng thuốc nhỏ mắt như thế nào là đúng cách không phải ai cũng biết.

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương để giảm thiểu khả năng thuốc ngấm vào dòng tuần hoàn, các bác sĩ thường chỉ định nhỏ một giọt thuốc cho mỗi mắt. Nếu bệnh nhân cần nhỏ hai loại thuốc nước vào cùng một giờ thì có thể nhỏ theo trình tự bất kỳ nhưng phải duy trì khoảng cách tối thiểu 3-5 phút giữa hai loại thuốc.

Các bước cần thực hiện khi dùng thuốc nhỏ mắt:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi nhỏ thuốc để giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt và nguy cơ nhiễm khuẩn lọ thuốc.
- Tháo kính áp tròng (nếu có).
- Với lọ đựng thuốc có vỏ trong suốt, cần quan sát dung dịch bên trong, nếu có thay đổi bất kỳ so với khi mới mua (vật thể lạ trong dung dịch, thuốc đổi màu..) thì không được dùng thuốc này.
- Nhiều loại thuốc nhỏ mắt được chế tạo ở dạng nhũ tương, trường hợp này cần lắc mạnh lọ trước khi sử dụng để thuốc được phân bổ đều.
- Tháo nắp lọ thuốc, đặt nghiêng nắp trên một tờ giấy sạch, tránh đặt úp làm nắp bị nhiễm bẩn. Kiểm tra xem đầu lọ thuốc có bị sứt mẻ không.
- Bệnh nhân ngả đầu nhẹ về phía sau, dùng ngón trỏ của một bàn tay kéo nhẹ mi dưới xuống để tạo thành một chiếc túi nhỏ ngay dưới bờ mi.
- Dùng bàn tay kia giữ lọ thuốc. Đưa lọ thuốc nhỏ mắt lại thật gần mắt. Cố gắng không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt hay vào bàn tay bạn. Tựa ngón cái của bàn tay này lên trán để cố định lọ thuốc (hình trái bên dưới). Bạn cũng có thể tì bàn tay giữ lọ thuốc lên các ngón tay đang kéo mi mắt (hình phải bên dưới).
-  Ngước mắt nhìn lên trên, nhẹ nhàng bóp lọ thuốc để một giọt duy nhất rơi vào túi của mi dưới. Thuốc rơi vào vị trí này dễ chịu hơn so với rơi trực tiếp vào mắt. Thông thường chỉ cần 1 giọt thuốc là đủ, nếu bạn nhỡ tay nhỏ 2 giọt liền thì cũng đừng sợ vì giọt thứ nhất sẽ bị giọt thứ hai đẩy ra ngoài.
- Nhẹ nhàng nhấc ngón trỏ khỏi mi mắt.
- Nhắm mắt trong 2-3 phút và cúi đầu về phía trước như đang nhìn xuống sàn, làm vậy giúp thuốc thấm tốt hơn và phát huy tối đa hiệu quả. Cố gắng không chớp mắt hay nheo mắt để tránh làm thuốc trào ra khỏi mắt.
- Dùng ngón trỏ ấn nhẹ lên góc trong của mắt ngay cạnh sống mũi để chặn đường thoát của nước mắt, giúp thuốc nằm lại trong mắt lâu hơn, tăng tỷ lệ thuốc ngấm vào mắt và giảm lượng thuốc bị hấp thu vào dòng máu.                              
- Dùng khăn lau sạch phần thuốc tràn ra mặt.
- Đậy nút lọ, tuyệt đối không lau hay rửa đầu lọ thuốc.
- Rửa tay để loại bỏ phần thuốc rơi rớt trên bàn tay.
- Đợi 15 phút sau mới được đeo kính áp tròng.

Ảnh minh họa



Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt:


- Mỗi lần nhỏ thuốc mắt bạn chỉ cần nhỏ 1 giọt duy nhất. Giọt thứ hai có thể làm trôi giọt thứ nhất hay tăng nguy cơ thuốc ngấm vào máu. Giọt thứ hai cũng thường bị tràn ra ngoài da của mi mắt, làm tăng nguy cơ dị ứng do tiếp xúc ở người bệnh. Sử dụng hai giọt thuốc còn gây lãng phí thuốc và làm tăng giá thành điều trị.
- Nếu cần dùng cả thuốc nước và thuốc mỡ thì nhỏ thuốc nước trước, đề phòng thuốc mỡ ngăn cản sự hấp thu thuốc nước.
- Nếu phải nhỏ vài loại thuốc nước cùng lúc, bạn có thể nhỏ thuốc nào trước cũng được, tuy nhiên cần duy trì khoảng cách tối thiểu 3-5 phút giữa các giọt để thuốc có thì giờ ngấm và không bị trôi tuột bởi giọt thuốc tiếp theo.
- Sau khi vào mắt, thuốc sẽ đi qua ống mũi lệ vào mũi họng. Trong một số trường hợp, lượng thuốc hấp thu vào máu là đáng kể, nhất là với các thuốc nhỏ mắt chẹn beta điều trị tăng nhãn áp. Vì vậy, sau khi nhỏ thuốc bệnh nhân cần nhắm mắt, đặt ngón tay trỏ ấn nhẹ vào góc trong của mắt, gần sống mũi, ấn như vậy 1-2 phút. Áp lực tại điểm này giúp làm giảm lượng thuốc trôi xuống mũi họng và lượng thuốc bị hấp thu vào máu.
- Không cất trữ lọ thuốc dùng dở dang sau khi đã khỏi bệnh.
- Lọ thuốc đã mở rất dễ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh có trong không khí và sẽ là nguồn gây bệnh cho mắt. Khi sử dụng, tránh đụng chạm vào đầu lọ thuốc nhỏ mắt vì sẽ gây nhiễm bẩn lọ thuốc và lọ thuốc lúc này sẽ trở thành nguồn gây bệnh.
- Sau khi dùng, đậy nút lọ thuốc càng nhanh càng tốt.
-. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, không chỉ dẫn cho người khác cách tự điều trị bệnh vì có thể sẽ gây ra biến chứng. Khi bị bệnh, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc