Bé gái nên làm gì trong ngày “đèn đỏ”

13:07, 11/05/2014
|

(VnMedia) - Theo các bác sĩ chuyên khoa, tuổi dậy thì của trẻ ngày càng giảm, có những bé gái 9 - 10 tuổi đã dậy thì. Dấu hiệu đầu tiên để biết mình đã thành thiếu nữ là xuất hiện hành kinh (đèn đỏ).

Đối với trẻ, giai đoạn này, trẻ rất lo lắng, sợ hãi, ngại ngùng, và thật sự bối rối khi thấy máu chảy ở vùng kín, trẻ thường lúng túng khi xử lý tình huống này. Hơn nữa, trong những ngày đèn đỏ, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, do vậy cha mẹ cần hướng dẫn các em biết cách chăm sóc cơ thể và vệ sinh vùng kín đúng cách để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Trong những ngày đèn đỏ, cần dạy các em cách chăm sóc bản thân cẩn thận hơn những ngày khác.

- Nên làm việc nhẹ, đi lại nhẹ nhàng,
- Không tập các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực. Trong các môn thể dục thể thao, vẫn duy trì các môn nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục tay không, bóng bàn,... Cần tránh các môn gắng sức như đẩy tạ, bơi lặn, không nên đi xa, vì cơ thể dễ mệt mỏi.
- Nếu các em bị đau bụng khi có kinh, cần phải nằm nghỉ ngơi, chườm ấm vùng bụng dưới. - Chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng, tăng cường chất đạm, chủ yếu là đạm động vật như thịt heo, thịt bò, tim gan, trứng và thức ăn có nhiều canxi giúp cho quá trình cầm máu, đông máu được tốt cũng như các thức ăn bồi bổ khác đủ cân bằng đạm, đường, chất béo, muối khoáng, vitamin và chất xơ.
- Cần tránh các thức ăn có tính kích thích như rượu, bia, gia vị mạnh hoặc những thức ăn, trái cây quá chua.

Hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách trong những ngày đèn đỏ

Trong những ngày này, máu ứ đọng trong vùng chậu và cơ quan sinh dục nhiều, vi khuẩn phát triển nhanh chóng trong máu kinh. Vì vậy, bé cần phải lưu ý một số điều sau:

- Tắm rửa sạch sẽ và thường xuyên hằng ngày. Khoảng 3 - 4 tiếng nên thay băng vệ sinh một lần, nhất là những ngày thứ nhất, thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt.
- Mỗi lần thay băng phải rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch,
- Không nên xối hay xịt nước quá sâu vào bên trong âm đạo. Sau đó dùng khăn sạch lau khô rồi mới đóng băng vệ sinh mới.

Cha mẹ cũng cần dạy con đề phòng và tránh các bệnh vùng kín như viêm nhiễm, khí hư có mùi... khi vệ sinh không sạch sẽ để các em biết. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trẻ mới lớn chưa cần thiết phải dùng đến các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ bởi axít trong các dung dịch này có thể làm thay đổi môi trường âm đạo.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý giáo dục con kiến thức về giới tính và quan hệ tình dục vì rất có thể con sẽ có thai nếu không biết bảo vệ mình và điều này sẽ nguy hại cho sức khỏe sinh sản và tâm lý của con trước ngưỡng cửa cuộc đời.


Ảnh minh họa
Bé gái thường rất hoang mang khi có hành kinh. Ảnh minh họa.

Tâm trạng theo chu kỳ kinh nguyệt

Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người khác nhau. Trung bình là 28 ngày, sẽ xuất hiện 3 - 5 ngày "đèn đỏ".

Tuần thứ nhất: Là thời gian bạn gái bị hành kinh. Đa số đều cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong 2-3 ngày đầu và tâm lý bình ổn hơn vào những ngày cuối của tuần.

Tuần thứ 2: Hoóc môn estrogen phát triển mạnh, cơ thể thường cảm thấy khỏe hơn. Thời điểm này bạn gái thường trở nên nhạy cảm với những va chạm cơ thể.

Tuần thứ ba: Cơ thể phát triển bình thường và cân bằng trở lại. Tâm sinh lý của bạn bình thường. Có người bắt đầu thấy cảm giác mệt mỏi từ những ngày cuối tuần này.

Tuần thứ tư: Đa phần bạn gái đột nhiên thấy khó chịu trong người, tính khí thay đổi, nhũ hoa căng, đau nhức, sinh lực trong người giảm xuống, họ trở nên cáu gắt và không muốn gần gũi đối phương.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc