Tiêm vắcxin sởi sau bao lâu sẽ miễn dịch?

17:56, 24/04/2014
|

(VnMedia)  - Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, tại các điểm tiêm phòng luôn trong tình trạng đông đúc, không những trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng xếp hàng tiêm phòng sởi. Vậy tiêm vắcxin phòng sởi sau bao lâu sẽ miễn dịch?

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết bệnh sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh sởi chỉ xuất hiện trên người và rất dễ lây. Mặc dù sởi thường là một bệnh nhẹ hoặc vừa phải, nhưng có thể có các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não và tử vong.

 

Nguy hiểm hơn, biến chứng sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, người nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

 

Trước những nguy cơ trên, GS.TS Nguyễn Trần Hiển nêu rõ, cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắcxin. Vắcxin sởi là vắcxin sống giảm độc lực được sản xuất dưới dạng vắcxin đơn giá hoặc phối hợp với vắcxin quai bị, hoặc Rubella. Vắcxin sởi khi tiêm chủng sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào như sau khi nhiễm sởi tự nhiên. Tuy nhiên tiêm vắcxin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống thường không tạo được đáp ứng miễn dịch do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và do vẫn còn tồn tại kháng thể trung hòa từ mẹ truyền sang.

 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc BV Các bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết mũi đầu tiên các bé cần 1 tháng mới có thể sinh kháng thể nhưng các mũi sau trở đi thì sau khi tiêm văcxin cơ thể cần 2 đến 3 tuần để tạo kháng thể bảo vệ, nhanh hơn mũi đầu. Vì thế, việc tiêm chủng bất cứ lúc nào cũng cần thiết.

 

Đối với những trẻ đã từng bị sởi thì cơ thể sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh sởi bền vững suốt đời. Chính vì vậy, những trẻ đã được xác định mắc sởi bằng xét nghiệm thì không cần phải tiêm văc xin sởi. Tuy nhiên, những trường hợp nghi mắc sởi mà không có chẩn đoán xác định thì vẫn cần phải tiêm văc xin sởi như quy định.


 Ảnh minh họa

Nên cho trẻ tiêm phòng sởi càng sớm càng tốt. Ảnh: Kim Thảo.


 

Trẻ chưa tiêm phòng phải tiêm sớm


TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, vắcxin
sởi đơn là vắcxin nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ từ hai tuổi trở xuống. Còn vắcxin 3 trong 1 (phòng sởi- quai bị- rubella) là vắcxin dịch vụ, cha mẹ trẻ phải trả tiền, với giá khoảng 150.000 đồng/mũi. Tất cả các loại vắcxin này đều theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Vắcxin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.

 

Hiện các tỉnh đang tổ chức tiêm vét vắcxin sởi cho trẻ, tuy nhiên, vắcxin không bảo vệ 100% trẻ được tiêm mà có khoảng 5% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi mà vẫn bị bệnh sởi. Việc đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắcxin, loại vắcxin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng trẻ.

 

Theo khuyến cáo, những trẻ bỏ không tiêm sởi khi 9 tháng, cần phải đưa đi tiêm phòng sớm càng tốt. Trước khi cơ thể trẻ có thể tự phòng vệ với bệnh sởi, cần hạn chế cho bé đi tới các nơi đông người để tránh bị lây nhiễm.


Nếu tuân thủ đúng kỳ tiêm chủng. 9 tháng tiêm mũi 1, 18 tháng tiêm mũi 2, vắcxin tốt và được bảo quản đúng cách thì tỷ lệ mắc sởi là cực thấp. Khi trẻ tiêm mũi 1, khả năng miễn dịch với bệnh sởi đã đạt 90%.
Tức là từ 7 - 10 ngày sau tiêm vắcxin,khả năng lây nhiễm sởi của béở mức 10%. Vì vậy, để củng cố miễn dịch, các bé cần tiêm nhắc lại mũi 2. Trẻ đã tiêm 2 mũi vắcxin sởi có tỷ lệ miễn dịch đạt tới 99%.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc