Cách phòng tránh cúm gia cầm A/H5N1 dịp Tết

06:59, 27/01/2014
|

(VnMedia)  - Hiện nay, virus cúm A/H5N1 vẫn đang lưu hành trên đàn gia cầm của nhiều tỉnh, thành phố, nguy cơ lây nhiễm virus từ gia cầm sang người là rất lớn. Một bệnh nhân ở tỉnh Bình Phước cũng vừa tử vong do cúm A/H5N1. Vậy làm thế nào để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này khi việc vận chuyển, kinh doanh và sử dụng gia cầm gia tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ?

Ths BS Đinh Thạc cho biết, Tết nguyên đán đang đến rất gần, việc vận chuyển và tiêu thụ gia cầm ngày càng lớn do nhu cầu ăn uống ngày Tết của người dân. Gia cầm không rõ nguồn gốc chính là nguyên nhân có thể gây bệnh cúm gia cầm – cúm A/H5N1.

Những điều cần biết về cúm gia cầm:

- Bệnh cúm A/H5N1 ở người hay còn gọi là bệnh cúm gia cầm, bệnh do một loại vi rút có tên là cúm A/H5N1 gây ra. Vi rút này có thể sống trong phân các loài chim, gia cầm, thủy cầm ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4độ C, ít nhất 6 ngày ở nhiệt độ 37độC. Đặc biệt vi rút sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ từ 700C trở lên.

- Nguồn lây vi rút A/H5N1 từ gia cầm sang người như do tiếp xúc với gia cầm bệnh, giết mổ gà bệnh, chơi đá gà, chơi với vịt con, tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, ăn tiết canh và có những trường hợp không tìm được nguyên nhân.

 - Cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho mọi đối tượng, tuy nhiên lứa tuổi thanh niên có tỉ lệ mắc và tử vong cao hơn, đặc biệt cúm gia cầm dễ gây biến chứng ở người già, người mắc bệnh mạn tính như bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh hen suyễn,… So với cúm người thì cúm gia cầm có thời gian ủ bệnh lâu hơn, kéo dài từ 2-14 ngày. Chính vì vậy, yêu cầu cách ly người mắc bệnh cúm gia cầm thường cần thời gian lâu hơn.

- Cúm gia cầm không thể lây trực tiếp từ người qua người. Tuy nhiên, nếu vi rút biến đổi thì việc lây truyền từ người qua người có thể trở thành hiện thực. Theo phân tích của các nhà khoa học, hiện tại có 15 chủng khác nhau của vi rút cúm, chủng A/H5N1 là một loại gây bệnh cho người.

- Vào dịp cuối năm, gia cầm từ các tỉnh đổ về TP. Hồ chí Minh ngày càng nhiều, việc kiểm soát gia cầm không rõ nguồn gốc đích thực là một thách thức đối với cơ quan kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm, nếu không có biện pháp tích cực dịch cúm A/H5N1 nếu xuất hiện sẽ rất khó ngăn chặn, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân trong dịp lễ, tết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Ảnh hưởng của cúm gia cầm với sức khỏe

- Việt nam là nước nông nghiệp, việc chăn nuôi gia cầm cũng là một ngành nghề rất phổ biến ở vùng nông thôn, Việt nam cũng là quốc gia tiếp giáp với biên giới của những nước láng giềng, nơi thường xuyên xảy ra những đợt dịch bệnh trên gia cầm do đó khả năng phát tán tình trạng lây nhiễm cúm A/H5N1 là điều rất khó tránh.

- Cúm gia cầm ngày càng trở nên nguy hiểm hơn do vi rút H5N1 hiện diện nhiều nơi và khả năng thích ứng cao hơn, độc lực cũng ngày càng gia tăng. Chính vì vậy mà cúm gia cầm (A/H5N1) được xem là loại bệnh cúm nguy hiểm nhất trong tất cả các loại bệnh cúm xuất hiện trên con người vì tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 còn rất cao (chiếm tỷ lệ 50% - 70 %). Nguy hiểm nhất là độc lực của vi rút cúm A/H5N1 ở chim hoang dã ngày càng cao nhưng đây lại là nguồn lây rất khó kiểm soát.

- Cúm gia cầm hiện nay được xác định chỉ tập trung ở khu vực châu Á. Diễn tiến của bệnh cúm gia cầm ở bệnh nhân thường nhanh hơn với những triệu chứng đặc trưng là sốt, ho, hụt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, vi rút cúm cũng nhanh chóng gây tổn thương 2 lá phổi khiến bệnh nhân khó thở và bị suy hô hấp cấp tính. Ngoài ra vi rút còn gây nhiều tổn thương nghiêm trọng như suy đa cơ quan, viêm não, hôn mê... làm cho bệnh nhân rất dễ bị tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

- Điều đáng báo động là bệnh cúm A/H5N1 ở người chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ động phòng ngừa bằng những biện pháp giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tình trạng lây nhiễm cúm gia cầm ở từng hộ gia đình và cho cộng đồng.

Dấu hiệu khi mắc cúm gia cầm

Các triệu chứng cúm A(H5N1) ở người rất giống với các triệu chứng của bệnh cúm mùa thông thường như:
- Bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, sốt liên tục với nhiệt độ trên 38độ C, đôi khi rét run, mặt ửng đỏ.
 - Bệnh nhân bị đau đầu nhiều, đau mỏi các cơ ở vùng chân, vùng cánh tay, vùng cổ, đau đấu tăng lên khi ho hoặc sốt cao, có thể đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch vùng cổ.
- Bệnh nhân thường bị ho, có thể ho khan nhất là vào giai đoạn khởi phát. Có khi ho có đàm thường gặp trong tình huống bội nhiễm vi khuẩn.
 - Bệnh nhân có thể bị thở nhanh hoặc đôi khi có cảm giác khó thở.

Biện pháp phòng chống cúm

Hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm ở người, để mọi người đón Tết an toàn người dân cần chú ý chủ động phòng bệnh bằng những biện pháp tích cực sau đây:

- Nên ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm đã được nấu chín kỹ.
- Nên mua gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm dịch xác nhận không bị bệnh.
- Không ăn tiết canh vịt, tiết canh gà.
- Không làm thịt và ăn các loại gia cầm nghi bị nhiễm bệnh, gia cầm đã chết.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
- Rèn luyện thân thể hàng ngày, giữ ấm cơ thể để nâng cao khả năng đề kháng phòng bệnh.
- Nên thay, giặt quần áo, rửa giầy dép hàng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bện
 - Hạn chế việc tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe
- Không chơi gà đá, không xem chọi gà.
- Chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, mang găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt riêng để xử lý thịt sống và thịt chín.
- Tuyệt đối không cho trẻ em tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi cạnh chuồng gia cầm.
- Đeo khẩu trang, mang găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với gia cầm.
- Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi gia cầm.
- Không sử dụng phân gia cầm làm phân bón.
- Tiêu hủy toàn bộ gia cầm, thủy cầm bệnh, chết.
 - Tiêm vắc xin cúm A/H5N1 cho gia cầm ở vùng có nguy cơ cao.
- Đưa bệnh nhân nghi bị nhiễm cúm gia cầm đến ngay cơ sở Y tế khi có những biểu hiện
- Sốt cao trên 38 độ C, ho nhiều, đau tức ngực, người bệnh bị khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi, cảm giác suy kiệt...để bệnh nhân được khám và điều trị kịp thời.
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cũng không nên quá lo lắng vì cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người chứ chưa lây từ người sang người. Thời gian qua, những bệnh nhân cúm A/H5N1 đều tiếp xúc với gia cầm ốm và nơi có ổ dịch gây bệnh trên gia cầm. Việc triển khai các biện pháp dự phòng và tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện phòng chống cúm gia cầm lây sang người trong dịp Tết Nguyên đán này là hết sức quan trọng; nhưng cũng không đến mức quá hoang mang, lo lắng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc