Cách xử trí khi trẻ có nhiều ráy tai

19:05, 16/11/2013
|

(VnMedia)Nhiều bậc cha mẹ thường rất lo lắng khi thấy con kêu đau tai. Một trong những nguyên nhân gây đau tai là do trẻ bị nút ráy tai. Vậy vì sao bị nút ráy tai và cách xử trí thế nào?

 

Da ống tai có nhiều tuyến đặc biệt tiết ra chất tiết được gọi là ráy tai. Ráy tai thường có 3 dạng: Ráy tai ướt, ráy tai khô và ráy tai cứng.

 

Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai khỏi bị tổn thương và nhiễm trùng. Khi ráy tai được đẩy ra ngoài sẽ mang theo bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng.

 

Theo Bác sĩ Nguyễn Trương Khương, trong trường hợp bình thường không cần lấy ráy tai. 

Tuy nhiên trong một số trường hợp hẹp ống tai, hoặc sự bài tiết quá mức do rối loạn bài tiết các tuyến ở ống tai do phản ứng với chấn thương, nhiễm trùng,hoặc do chính bạn vệ sinh tai không đúng cách như dùng que gòn lau chùi ống tai nhưng lại vô tình đẩy ráy tai càng lúc càng sâu hơn ráy tai sẽ tích tụ nhiều không được đẩy ra ngoài theo cách tự nhiên tạo nên nút ráy tai. Những trường hợp này ráy tai phải cần được lấy ra để tránh cảm giác nặng (đầy) tai, hoặc nhiễm trùng gây đau và ngứa ống tai, hoặc gây giảm thích lực tạm thời do tắc nghẽn hoàn toàn 2 bên ống tai.



Cách xử trí khi trẻ bị nút ráy tai

 

Tại nhà bạn có thể sử dụng dung dịch Clorua natri 0,9% (nước muối sinh lý) để nhỏ vào tai cho bé nhiều lần trong ngày (thường 3-5 lần hoặc hơn nếu có thể) mỗi lần từ 10 đến 20 giọt để cho nút ráy tai được thấm thật nhiều nước muối và dần sẽ mềm đi hoặc rã ra. Sau đó theo dõi từ 5-7 ngày nếu ráy tai chỉ mềm đi mà không rã ra bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để lấy hoặc hút ra. Nếu ráy tai rã ra nhiều bạn nên tiếp tục nhỏ tai thêm 5-7 ngày nữa cho đến khi ráy tai rã hết và được đẩy ra khỏi ống tai.

 

Tuyệt đối cha mẹ không được tự ý ngoáy tai cho bé bằng que nhựa có quấn gòn 2 đầu, hoặc lấy ráy tai bằng các dụng cụ bằng kim loại khác vì có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn khi ngoáy bằng que gòn: Làm trầy xướt gây nhiễm trùng gây sưng đau ống tai khi dùng dụng cụbằng kim loại không vô trùng và có thể gây rách ống tai ngoài, hoặc thủng màng nhĩ khi trẻ dãy giụa do không được cố định đúng tư thế.

Ảnh minh họa

Không nên lấy ráy tai cho trẻ thường xuyên.

Nguyên nhân gây nút ráy tai:

- Một số trường hợp do ống tai bị hẹp.
- Rối loạn bài tiết ống tai.
- Môi trường ô nhiễm.
- Do động tác ngoáy tai làm ráy bị đẩy vào sâu hơn

Những biểu hiện khi bị nút ráy tai:

- Ngứa tai
- Ù tai.
- Nghe kém.
- Trẻ khó chịu.

Khi bị nút ráy tai có thể gây ra  ứ
đọng dịch bẩn, gây viêm ống tai ngoài..

Cách vệ sinh tai cho trẻ

- Đối với những bé dưới 36 tháng tuổi: Hàng ngày dùng khăn mềm thấm một chút nước ấm lau nhẹ vành tai bên ngoài của bé.

- Đối với các bé từ 36 tháng tuổi trở lên đã bắt đầu hoạt động ở môi trường bên ngoài thì việc vệ sinh bên ngoài vành tai vẫn chưa đủ để lấy hết ráy tai của bé vì còn rất nhiều ráy tai còn lưu lại bên trong ống tai. Nếu không lấy ra thường xuyên sẽ gây khó chịu cho các bé. Do đó cần vệ sinh bên ngoài vành tai kết hợp đưa các bé đến các phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa Tai -Mũi - Họng để các bác sĩ vệ sinh tai một cách an toàn khi bé bị đóng ráy tai quá nhiều.

- Mỗi tháng chỉ lấy ráy tai 2 lần.

Để bảo vệ thính giác cho trẻ, các bà mẹ không được tự ý lấy ráy tai, tránh những tai nạn đáng tiếc. Khi phát hiện trẻ bị nút ráy tai, cần đưa trẻ đến phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để xử lý.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc