Cách trợ giúp trẻ biếng ăn

19:40, 10/08/2013
|

(VnMeda) - Tình trạng trẻ biếng ăn ngày càng tăng cao. Mặc dù có thể xem đây là tình trạng phổ biến nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn lúng túng trong việc chăm sóc trẻ biếng ăn.

Theo thống kê trên toàn thế giới có khoảng 50% trẻ từ 1 - 6 tuổi mắc chứng biếng ăn. Riêng ở Việt Nam con số này là khoảng 20 - 45%.

Ảnh minh họa

Ảnh mang tính minh họa 


Mặc dù có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thờ ơ với việc ăn uống nhưng theo Ths. Bs. Chu Thị Việt Hà, Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba có một số nguyên nhân thường gặp nhất như sau:

- Do trẻ có thể mắc 1 bệnh lý thực thể như bệnh lý về tiêu hoá, hoặc thiếu một số yếu tố vi lượng như thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm.

- Nguyên nhân thứ 2 thường gặp ở trẻ ham chơi, quá hiếu động và thờ ơ với chuyện ăn.

- Nguyên nhân thứ 3 có thể do trẻ ác cảm với thức ăn. Trẻ có thể sợ một mùi vị gì đó của một số loại thức ăn và cũng làm cho trẻ biếng ăn.

- Nguyên nhân thứ 4 thường gặp ở những trẻ thờ ơ với chuyện ăn là do bố mẹ quá bận bịu và thường phó mặc để trẻ hoàn toàn cho người trông trẻ.

- Nguyên nhân nữa trái ngược với nguyên nhân trên là sự quan tâm quá mức của các ông bố, bà mẹ. Chính sự quan tâm quá mức này tạo áp lực cho em bé. Các mẹ thường ép bé ăn nhiều hơn và như thế lại càng tạo tâm lý căng thẳng làm cho trẻ biếng ăn.

Biếng ăn không chỉ dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất mà còn dẫn đến những hậu quả lâu dài về sau như: khiến trẻ bị rối loạn tăng trưởng, rối loạn nhận thức, cảm xúc. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập của trẻ. Vì thế các bác sỹ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân biếng ăn của con bắt nguồn từ đâu và có thể đưa đến bác sỹ để khám xem thực sự trẻ có biếng ăn hay không để có chế độ chăm sóc hợp lý.

Đối với trẻ biếng ăn do có bệnh lý cụ thể thì việc giải quyết triệt để căn bệnh của bé sẽ làm cho bé đỡ biếng ăn hơn. Còn đối với trẻ hiếu động, ham chơi thì bố mẹ cần xây dựng một chế độ ăn để làm cho trẻ luôn có cảm thấy đói bụng và thèm ăn.

Ngoài ra, bố mẹ có thể kể những câu chuyện vui nho nhỏ, thúc vị về thức ăn để làm kích thích sự hứng khởi của trẻ đối với thức ăn. Chúng ta cũng không nên kéo dài bữa ăn của trẻ quá 30 phút.

Đối với những bé có ác cảm với thức ăn, chúng ta nên bắt đầu bằng những thức ăn mà bé có thể chấp nhận được. Với những thức ăn mà con rất sợ về mùi vị thì chúng ta cũng nên tôn trọng sự ác cảm của con, không ép buộc con ăn mà có thể thuyết phục dần dần bằng cách cho con ăn cùng bố mẹ và bố mẹ cũng ăn món ăn đó trước mặt con để kich thích cảm giác thèm ăn của con.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc