Cách khắc phục hiện tượng nôn, trớ ở trẻ

19:33, 15/03/2013
|

(VnMedia) - Một trong những triệu chứng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn nhũ nhi (từ 0 - 6 tháng tuổi) đó là nôn (trớ). Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này?
 
Theo PGS. TS. Trần Đình Toán, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, việc bị nôn (trớ) khiến trẻ khó khăn trong ăn uống và bú mẹ, thậm chí có thể khiến trẻ chậm tăng cân, gây suy giảm sức đề kháng. Nguy hiểm hơn, nôn (trớ) có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp nếu không may trẻ hít phải chất nôn ói vào phổi.
 
Những điều đó làm cho không ít phụ huynh phải lo lắng và vì thế không ngần ngại áp dụng các kinh nghiệm dân gian để ngăn trẻ nôn (trớ). Nhưng thực tế cho thấy, nếu không thực sự hiểu được nguyên nhân gây nên những triệu chứng này thì các biện pháp áp dụng sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn khiến trẻ nôn (trớ) nhiều hơn.
 
Việc ép bé ăn quá nhiều, bé ăn phải thức ăn lạ, bé có dấu hiệu ốm, viêm họng, sau khi ăn bé vận động nhiều là những nguyên nhân cơ bản làm cho trẻ có thể bị nôn (trớ).
 
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, nôn (trớ) do bệnh lý cũng chiếm một phần tương đối lớn. Thường gặp nhất là hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản do vòng vang giữa dạ dày và thực quản không đủ mạnh để cản thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản. Đôi khi thức ăn này còn trào qua miệng của trẻ. 
 
Vì dịch dạ dày là dịch axit, trong khi thực quản lại hơi kiềm nên những dịch trào ngược lên lại gây ảnh hưởng xấu đến thực quản như có thể gây viêm thực quản, làm bỏng rát thực quản khiến bé rất sợ mỗi khi bú hoặc ăn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Cũng theo PGS. TS. Trần Đình Toán, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, do đặc điểm sinh lý của trẻ còn bé, cơ thắt tâm vị (cơ thắt phía trên dạ dày) còn yếu và đóng mở chưa được nhanh nhậy nên khi trẻ ăn, nhất là khi ăn no, chỉ cần thay đổi động tác, tư thế là trẻ đã có thể nôn ra. Đó là điều tự nhiên thôi. Vì vậy không cần cho trẻ dùng thuốc. Khi trẻ lớn hơn sẽ tự điều chỉnh được. Trường hợp trẻ bị nôn (trớ) do bệnh lý thì cần được bác sĩ khám và điều trị, có thể cho uống thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật.
 
Một số biện pháp sau đây có thể khắc phục hiện tượng nôn (trớ) ở trẻ:
 
-Không bắt trẻ ăn nhiều làm trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.
 
-Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết.
 
-Ở những trẻ còn bú mẹ, sau khi tre bú xong nên bế bé từ 10 - 15 phút mới đặt bé nằm xuống.
 
-Pha sữa đúng công thức, tốt nhất nên cho bé ăn, uống bằng thìa, muỗng.
 
-Khi cho trẻ bú bình cần nghiêng bình sữa sao cho sữa ngập đầu bình để tránh tình trạng bẽ nuốt không khí vào dạ dày quá nhiều gây đầy hơi, chướng bụng.
 
-Sau khi cho bé bú xong cần bế bé đứng lên và vỗ nhẹ phần lưng bé để bé có thể ợ hơi được, mục đích làm giảm lượng hơi mà bé nuốt phải trong dạ dày.
 
-Khi bé nằm cần cho bé nằm cao đầu. Nếu bé bị ọc sữa nhiều thì cho bé nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn, trớ vào phổi.
 
-Tuyệt đối tránh bế sốc bé lên khi đang nôn, trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch nôn vào phổi.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc