Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cảm cúm

06:47, 19/02/2016
|

(VnMedia) -  Cảm là bệnh nhiễm siêu vi cấp tính của đường hô hấp trên và là bệnh hay gặp nhất ở con người. Trẻ em dễ mắc bệnh và bệnh thường kéo dài hơn ở người lớn.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, cảm lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hay do nhiễm virus trong môi trường. Bệnh thường lây trong vòng 2-4 ngày đầu của bệnh.

Lây nhiễm trực tiếp: người bệnh thường có virus ở bàn tay do tự tiếp xúc với chất tiết ở mắt và mũi, sau đó có thể lây cho người khác ít nhất trong vòng 2 giờ. Nếu 1 trẻ bị cảm sờ vào tay trẻ khỏe mạnh trong vòng 10 giây, sau đó đứa trẻ khỏe mạnh này dụi mắt hay mũi của nó thì nó có thể bị nhiễm bệnh.

Lây nhiễm gián tiếp qua đồ dùng trong nhà: một số virus có thể sống lâu nhiều ngày trên bề mặt các vật dụng trong nhà như nắm khóa cửa, đồ chơi

Hít phải virus trong không khí: trẻ bệnh có thể thải virus ra môi trường qua các giọt nước từ dịch mũi khi thở, ho, hắt hơi .

 

Triệu chứng khi trẻ bị cảm cúm

Triệu chứng thường xuất hiện sau 1-2 ngày tiếp xúc với nguồn lây:

- Sung huyết mũi: Ơ trẻ con, triệu chứng sung huyết mũi thường nổi bật (nghẹt mũi), có thể có sổ mũi trong, vàng hay xanh.
- Sốt : thường trên 38độ C trong 3 ngày đầu.
- Các triệu chứng khác: đau họng, ho, quấy, khó ngủ, chán ăn, niêm mạc mũi sưng đỏ, hạch cổ có thể to nhẹ

Triệu chứng cảm thường nặng nhất trong vòng 10 ngày đầu.

Cũng không ít các trường hợp đợt cảm này vừa lui chưa kịp dứt thì đã bị đợt bệnh cảm khác, làm cho bà mẹ tưởng rằng đợt bệnh kéo dài cả tháng, nhất là về mùa thu và đông.

Biến chứng 

Bệnh cảm ít gây biến chứng. Tuy nhiên, bà mẹ cần biết một số các triệu chứng của các biến chứng sau:

- Nhiễm trùng tai: 5-15% trẻ bị cảm có biến chứng viêm tai do siêu vi hay do vi trùng. Trẻ bị sốt sau 3 ngày bị cảm, có triệu chứng đau tai, chảy mủ tai.

- Suyễn: cảm có thể gây triệu chứng khò khè ở trẻ chưa từng bị khò khè, hay làm cho trẻ đã từng bị suyễn khởi phát cơn suyễn.

- Viêm xoang: nếu sau 14 ngày mà triệu chứng cảm chưa bớt thì phải coi chừng bị viêm xoang do vi trùng

- Viêm phổi: phải nghi ngờ nếu trẻ có sốt sau 3 ngày bị cảm, có ho và thở nhanh.

- Biến chứng khác: viêm họng, viêm kết mạc.

Cách điều trị khi trẻ bị cảm cúm

Điều trị triệu chứng là chủ yếu:

- Hạ sốt: nếu sốt trên 38 độ C

- Nhỏ mũi, hút mũi là việc làm có hiệu quả

- Uống nhiều nước.

- Điều trị triệu chứng bệnh cảm ở trẻ em khác ở người lớn. Tất cả các thuốc trị triệu chứng như thuốc kháng histamine, thuốc ho, thuốc long đàm, thuốc chống sung huyết… đều chưa được chứng minh là có hiệu quả ở trẻ em.

- Các thuốc khác: vitamin C, kẽm chưa được chứng minh là có hiệu quả.

- Kháng sinh: kháng sinh không có tác dụng trong điều trị cảm, không có tác dụng trong phòng ngừa bội nhiễm. Kháng sinh có thể cần thiết nếu cảm bị bội nhiễm vi trùng như viêm tai, viêm phổi, viêm xoang. Nếu dùng kháng sinh bừa bãi sẽ có nhiều tác dụng phụ của kháng sinh và làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Biện pháp phòng ngừa cảm cúm

Giữ gìn vệ sinh là phương pháp có ích giúp ngăn ngừa bị nhiễm virus gây bệnh cảm, bao gồm các biện pháp sau:

- Rửa tay: là phương pháp cơ bản và hữu hiệu nhất để ngăn ngừa lây nhiễm. Chỉ cần rửa tay với xà phòng thường, rửa tay đúng cách, không cần thiết dùng xà phòng diệt khuẩn. Nên dạy cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi ho hay hắt hơi.

- Rửa tay bằng dung dịch rửa tay nhanh đúng cách cũng hiệu quả.

- Tránh tiếp xúc nguồn lây nếu có thể được. Trẻ bệnh nên cho nghỉ học để tránh lây lan

- Dùng chất tẩy rửa lau nhà.

Cần đi khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

- Bỏ ăn, uống kéo dài.

- Thay đổi hành vi thái độ ( li bì, kích thích)

- Khó thở, thở mệt, thở nhanh.

Cần đi khám bệnh nếu trẻ có các triệu chứng sau:

- Sốt trên 38,4 độ C kéo dài hơn 3 ngày.

- Nghẹt mũi không giảm hay nặng hơn kéo dài trên 14 ngày

- Đỏ mắt, mắt có ghèn vàng

- Triệu chứng ở tai: đau tai, chảy mủ tai.


Ý kiến bạn đọc