Ai dễ mắc bệnh viêm não mô cầu?

07:05, 27/02/2016
|

(VnMedia) - Chiều 26/2, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã ký công văn khẩn về tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh viêm não mô cầu. Theo đó, thời tiết đông xuân như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh não mô cầu phát triển và lây lan.

Trước đó, tại Hải Dương, ngày 22/2, một nữ sinh lớp 12 đã tử vong vì bệnh này.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đầu năm 2016 đã ghi nhận các trường hợp mắc não mô cầu tại một số tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương… Hiện nay, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc, tuy nhiên thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh não mô cầu phát triển và lây lan.

Vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát dịch gồm giám sát tại các cơ sở y tế và giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Mặt khác, quản lý chặt, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với người bệnh mắc não mô cầu và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng nhằm có các biện pháp điều trị dự phòng và cách ly không để dịch bệnh lan rộng. Đảm bảo đủ trang thiết bị, hóa chất và kháng sinh uống dự phòng cho công tác phòng chống dịch. Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý ổ dịch cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan báo, đài của trung ương và Hà Nội tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh não mô cầu. Mặt khác, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh như: khi tiếp xúc với người bệnh, ở tại nơi có ổ dịch cần đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh mũi họng và rửa tay bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời; tích cực đi tiêm chủng phòng bệnh do não mô cầu.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh, thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để điều tra, xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo quy định. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, có các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế nhằm tránh lây bệnh cho nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh cần đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.

 

Nhu cầu tiêm vắc xin viêm não tăng đột biến

Theo tin từ Sở Y tế Hải Dương, sau khi có một học sinh bị tử vong do viêm não mô cầu tại thành phố Hải Dương, các bậc phụ huynh trong tỉnh Hải Dương rất lo lắng. Theo đó, số lượng phụ huynh đưa con em đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tiêm vắc xin viêm não mô cầu tuýp BC (VA - MENGOC - BC) tăng mạnh.

Ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Hàng tháng Trung tâm vẫn tổ chức tiêm vắc xin phòng nhiều loại bệnh, trong đó có tiêm phòng viêm não mô cầu. Trung bình mỗi tháng chỉ có 15-20 trường hợp tiêm vắc xin này theo hình thức dịch vụ. Tuy nhiên, trong vài ngày trở lại đây, số lượng phụ huynh đến hỏi tiêm vắc xin này tăng mạnh. Cụ thể, ngày 24/2, Trung tâm đã nhập 250 liều và đã tiêm hết trong buổi sáng 25/2. Buổi chiều, còn rất nhiều phụ huynh đến để tiêm vắc xin cho con em mình. Trung tâm đã nhập thêm 500 liều để tiêm vào ngày 26/2. Trước nhu cầu tăng mạnh về vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu, Trung tâm đã phối hợp với Công ty cổ phần y tế Đức Minh tại Hà Nội nhập 3.000 liều vắc xin phòng chống viêm não mô cầu về phục vụ nhân dân. Dự kiến đến từ ngày 25 - 28/2, sẽ tiêm hết 3.000 liều vắc xin này.

Theo quy định của Bộ Y tế vắc xin phòng chống viêm não mô cầu chỉ dành cho trẻ em từ 6-10 tuổi, đây là độ tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh viêm não mô cầu. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo ở các độ tuổi khác cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở để phòng chống bệnh viêm não mô cầu.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết: Đây là vắc xin dịch vụ, do đó, ngoài Trung tâm của tỉnh, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thành phố sẽ được Sở Y tế tỉnh chỉ đạo được phép tiêm vắc xin phòng chống viêm não mô cầu cho nhân dân; nếu người dân có nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu, Trung tâm sẽ nhập đủ số lượng về để phục vụ nhân dân.

Ai dễ mắc bệnh viêm não do mô cầu?

Bất kỳ ai đều có khả năng bị viêm màng não, tuy nhiên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch.Các tiếp xúc hàng ngày như hôn, dùng chung dụng cụ, ly tách, tiếp xúc với nhiều người như sống trong các khu tập thể, khu cắm trại... đều có thể dẫn đến lây truyền bệnh. Khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh.

Bệnh diễn biến cấp tính và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh viêm màng não do não mô cầu tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường.Tuy nhiên nhiễm não mô cầu có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn tật chỉ trong vòng 24 giờ.

Nếu người bệnh may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.

Chủ động ngừa bệnh bằng vắc xin

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết viêm não mô cầu có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Vắc-xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, chỉ với 1 liều. Khi có các biểu hiện như sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), nôn, đau đầu dữ dội…, người dân cần đến ngay cơ sở y tế.


Ý kiến bạn đọc