3 tình huống cụ thể phòng chống dịch do vi rút Zika

09:59, 24/02/2016
|

Nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do dịch bệnh gây ra, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh với 3 tình huống cụ thể.

Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc vi rút Zika, tuy nhiên Hà Nội là đầu mối giao lưu trong nước cũng như quốc tế, hàng ngày có khoảng 8.000 khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó có hành khách đến từ vùng có dịch, đồng thời đây là bệnh do muỗi Aedes truyền (giống bệnh sốt xuất huyết) nên nguy cơ xâm nhập và lây lan trong cộng đồng thành dịch là có thể xảy ra.

Nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do dịch bệnh gây ra, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh với 3 tình huống cụ thể, đó là chưa ghi nhận ca bệnh tại Hà Nội; xuất hiện các ca bệnh nhiễm vi rút Zika tại Hà Nội và tình huống thứ ba là dịch lây lan trong cộng đồng.

Với từng tình huống đều có mục tiêu cụ thể, khi chưa có ca bệnh cần phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng; khi xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng; trong trường hợp dịch lây lan ra cộng đồng phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan, hạn chế tử vong và biến chứng do bệnh dịch.

Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho các phòng chức năng của Sở Y tế, TS.Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện. Sở Y tế giao nhiệm vụ cho TTYT Dự phòng Hà Nội và các TTYT quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế, triển khai điều tra, xử lý triệt để khi có ổ dịch. Củng cố đội phòng chống dịch cơ động, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ phòng chống dịch theo từng cấp độ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và thực hiện báo cáo dịch theo quy định.

Với Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ cần được khám cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh. Tuyên truyền, hướng dẫn hành khách thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika.

Trung tâm Cấp cứu 115 chuẩn bị xe chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống dịch và triển khai các kíp cấp cứu tại cộng đồng kịp thời đáp ứng khi được điều động cũng như thực hiện nghiêm túc các quy định về cấp cứu phòng chống dịch.

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Hà Nội, Hà Đông, khoa sản các bệnh viện giám sát chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, điều tra tiền sử dịch tễ của bà mẹ liên quan đến việc phơi nhiễm vi rút Zika để xác định mối liên quan giữa chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và nhiễm vi rút Zika. Hướng dẫn phụ nữ mang thai, chuẩn bị mang thai hạn chế đi đến các khu vực có dịch, cần đi khám và tư vấn trong trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế ngay từ đầu tháng 2/2016, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế đã tích cực triển khai giám sát hành khách qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe xây dựng và phổ biến các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông theo từng cấp độ dịch bệnh. Tuyên truyền các thông tin về diễn biến của dịch, công tác phòng chống dịch của thành phố, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika.

Các bệnh viện phối hợp với TTYT Dự phòng và TTYT quận, huyện thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời. Tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị dịch bệnh và có phương án đảm bảo hoạt động thường xuyên của bệnh viện trong khi có dịch. Hướng dẫn cho cán bộ y tế phác đồ cấp cứu, điều trị. Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân. Với các bệnh viện tuyến thành phố phối hợp với các bệnh viện tuyến dưới thiết lập bệnh viện vệ tinh khi cần thiết và chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn, nhân lực, vật lực cho tuyến dưới khi cần thiết.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch Zika

Trước tình hình dịch do vi rút Zika đã lây lan sang 44 nước, nhất là Thái Lan đã công bố có dịch, Trung Quốc cũng đã xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây nên có thể xâm nhập vào nước ta.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch theo quy định; thực hiện chế độ giám sát, báo cáo dịch theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ Tài chính có trách nhiệm bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika trong trường hợp dịch lan rộng.

Số ca nhiễm vi rút Zika tại Trung Quốc tăng lên 5 người

Theo Tân Hoa xã, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế quốc gia Trung Quốc (NHFPC) ngày 23/2 xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm Zika, nâng tổng số ca nhiễm loại vi rút này tại Trung Quốc lên 5 người.

Hai trường hợp nhiễm mới gồm một nam giới 38 tuổi và con trai 8 tuổi của người này đến từ thành phố Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Cả hai bị muỗi đốt trong khi lưu trú tại Fiji và Samoa.

NHFPC thông báo hai trường hợp này đã được cách ly và đang được điều trị tại bệnh viện. Hiện tình trạng của hai bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện.

Trước đó, Trung Quốc ghi nhận 3 ca nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Giang Tây, Quảng Đông đều thuộc miền Đông Nam Trung Quốc, và tỉnh Chiết Giang.

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika. Loại vi rút này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Dịch vi rút Zika xuất hiện tại Brazil giữa năm ngoái và đến nay đã xuất hiện tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Các đợt bùng phát vi rút Zika trước đây từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ.


Ý kiến bạn đọc