Tuyệt chiêu trị chứng tay chân lạnh và tê cóng vào mùa đông

08:14, 09/01/2016
|

Tay chân lạnh và tê cóng là một trong những chứng thường gặp của một số người trong mùa đông. Vậy làm biện pháp nào để thoát khỏi tình trạng này?

Mùa đông giá rét, mặc dù đã đi nhiều lớp tất, lớp vải nhưng chân tay thường trở nên lạnh và tê cóng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.

Các chuyên gia nhận định, tuy không quá nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng cũng cần phải lưu ý với chứng tay chân lạnh mùa đông. Vì với những người có cơ địa mẫn cảm với thời tiết, tình trạng chân tay bị lạnh có thể gây ra “cước” khiến chân tay mẩn đỏ, sưng và đau nhức các đầu ngón tay, ngón chân, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Nếu bạn hay người thân đang bị mắc chứng này, hãy tham khảo những điều dưới đây.

Nguyên nhân bệnh tay chân lạnh

Nhiệt độ giảm mạnh: Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chân tay lạnh khiến khí huyết không lưu thông được. Cũng có thể do hệ tuần hoàn bị trục trặc, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là lượng máu cung cấp cho bàn tay, bàn chân.

Chế độ dinh dưỡng: Chứng chân tay lạnh cũng gây ra bởi chế độ ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, sức đề kháng yếu.

Giảm hoạt động tuyến giáp: Nếu lạnh bàn tay, chân kèm theo hiện tượng rụng tóc nhiều và mất trí nhớ, có thể do giảm hoạt động tuyến giáp.

Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp... cũng thường có biểu hiện chân tay lạnh.

Thiếu Vitamin B12: Trong trường hợp bạn có cảm giác tê buốt và như bị kim châm thì đó là biểu hiện của thiếu vitamin B12. Bạn có thể thử máu để xác định 2 nguyên nhân trên và có phương pháp điều trị thích hợp.

Mắc bệnh viêm tĩnh mạch: Trường hợp chân tay lạnh giá kèm theo đau, buốt hoặc đầu ngón tay chân chuyển sang màu trắng, nên nghĩ đến bệnh viêm tĩnh mạch, tắc mạch máu, như vậy sẽ nghiêm trọng và cần khám bệnh cho chính xác.

Vấn đề tâm lý: Những người quáy nhạy cảm, hay lo lắng, stress cũng dễ bị chứng chân tay lạnh.

Các biện pháp chữa trị

Mát-xa tay chân: Khi gặp tình trạng chân tay bị lạnh khi vừa tiếp xúc với thời tiết giá buốt, việc đầu tiên là phải mát-xa tay chân liên tục để “tăng nhiệt” giúp giãn nở khí huyết. Ngoài ra, có thể kết hợp xoa bóp cùng các loại tinh dầu để kích thích quá trình lưu thông khí huyết tốt hơn.

Ngâm chân nước ấm: Theo các chuyên gia, ngâm chân trong nước ấm có pha chút muối và gừng tươi là phương pháp hữu hiệu chữa chứng chân tay lạnh trong mùa đông.

Uống nước gừng: Theo Lương y Vũ Quốc Trung, trong Đông y, gừng là vị thuốc mang tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giải cảm rất tốt. Do vậy, người sợ lạnh hoặc hay bị lạnh chân tay có thể uống nước gừng hoặc trà gừng để giúp cơ thể ấm dần lên, kích thích các mạch máu giãn nở.

Đồng thời, ngâm chân tay với nước ấm pha chút muối và gừng tươi trước khi đi ngủ cũng là một phương pháp đơn giản giúp điều hòa và lưu thông khí huyết tốt hơn, hạn chế tình trạng chân tay bị lạnh và tê cứng.

Bổ sung Vitamin: Bên cạnh đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung vitamin và những thực phẩm có nhiều calo và chất béo sẽ là sự lựa chọn hữu ích trong mùa đông giá rét vì chúng cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cơ thể.

Bổ sung multi-vitamin cho cơ thể bằng cách chọn những thực phẩm có chứa niacin (một vitamin thuộc nhóm B, giúp giãn mạch máu và mở rộng các mạch máu, làm tăng lưu lượng máu). Niacin thường có trong sữa, trứng, thịt bò, thịt lợn, bơ, đặt trong các loại hạt và ngũ cốc…

Tập thể dục: Ngoài ra, tập thể dục buổi sáng cũng là một phương pháp giúp đẩy mạnh tuần hoàn máu và sự trao đổi chất trong cơ thể. Khi cơ thể khỏe mạnh, việc tay chân bị lạnh cũng được đẩy lùi hiệu quả.

Uống nhiều nước: Bạn hãy uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để khí huyết lưu thông tốt hơn, nó sẽ giúp ích trực tiếp cho việc lưu thông máu tới các vị trí “xa xôi” trên cơ thể bạn là chân và tay.

Một số thực phẩm giúp chữa bệnh tay chân lạnh

- Những thực phẩm chứa nhiều calo và chất béo để giúp cơ thể sản sinh nhiệt lượng nhiều hơn như: thịt bò, thị dê hoặc thịt chó. Hạn chế ăn hoa quả mang tính lạnh ví dụ như lê, mã thầy...

- Ăn nhiều cà rốt, cà chua, súp lơ, ớt, tiêu… tốt nhất là ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm, không nên để bụng đói vì khi đói, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm hơn so với ở mức bình thường.

- Ngoài ra, bạn có thể nấu món bí đỏ nấu chao (đậu hu thối) để trị chân tay lạnh. Bí đỏ giàu vitamin A, có tác dụng giúp thúc đẩy chu trình trao đổi chất, bổ khí huyết, tăng cường khả năng chịu lạnh.


Ý kiến bạn đọc