Suy giáp: Nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi

12:54, 16/01/2016
|

(VnMedia) - Theo thống kê có khoảng 3-4% phụ nữ khi mang thai bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Bệnh có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhưng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi.

Việt Nam nằm trong vùng bị thiếu i-ốt, nhất là ở các khu vực miền núi, nên các thai phụ có nguy cơ bị mắc bệnh tuyến giáp rất cao.

Theo thống kê có khoảng 3-4% phụ nữ khi mang thai bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên vấn đề kiểm tra chức năng tuyến giáp cho phụ nữ mang thai ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, nó có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhưng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi.

Tác dụng của hormon tuyến giáp đối với thai nhi

- Khi có thai, tuyến giáp của mẹ phải tăng cường hoạt động để cung cấp nội tiết tố cho thai nhi, nhất là 3 tháng đầu của thai sản. Thyroxin rất cần cho sự phát triển của não và hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Trong 3 tháng đầu tuyến giáp của thai nhi chưa hoạt động, chưa tự tổng hợp được hormon nên thai nhi phải sử dụng thyroxin hoàn toàn từ mẹ, các tháng tiếp theo, thyroxin được lấy một phần từ mẹ, một phần tự tổng hợp được. Thyroxin được vận chuyển đến não của thai nhi và chuyển thành T3 tham gia sớm vào sự phát triển, sự trưởng thành của não bộ và hệ thần kinh trung ương. Vì vậy mẹ bị suy giáp trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai.

Nguyên nhân gây suy giáp trong thời kỳ mang thai

Nguyên nhân phổ biến nhất là do viêm tuyến giáp mạn tính có tính chất tự miễn hay còn gọi là bệnh Hashimoto (mang tên của vị bác sĩ người Nhật Bản đã phát hiện ra căn bệnh này). Bệnh Hashimoto có thể có từ trước khi mang thai (nhưng do là bệnh mạn tính, diễn biến từ từ nên có thể nhiều người không biết) hoặc cũng có thể xuất hiện lần đầu tiên khi có thai.

Ngoài ra, các nguyên nhân gây suy giáp khác có thể là do đã bị cắt tuyến giáp hoặc do điều trị iode phóng xạ (I131) hoặc do đang điều trị basedow bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp liều quá cao.

Những phụ nữ có nguy cơ cao bị suy giáp trong thời gian mang thai gồm đã hoặc đang điều trị cường giáp (bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, phẫu thuật, iode phóng xạ), có tiền sử gia đình nhiều người bị bệnh tuyến giáp, người có bướu cổ to, người đã bị viêm tuyến giáp hoặc suy giáp trong lần có thai trước... Lưu ý là ở những vùng bị thiếu iốt, thai nghén có thể làm bướu cổ to lên.

Suy giáp trong thời kỳ mang thai gây nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi

Nếu mẹ bị suy giáp trong thời gian mang thai không được điều trị, thai nhi có nhiều nguy cơ:

- Tỷ lệ sảy thai tăng gấp đôi.
- Tỷ lệ chết chu sinh xấp xỉ 20%
- Các dị tật bẩm sinh tăng 20%
- Gần 1/2 các trẻ sinh ra có sự chậm phát triển tâm thần vận động.

Ngoài ra, công trình nghiên cứu gần đây cho thấy con của các bà mẹ có nồng độ TSH cao (trung bình là 13,2µUI/l) trong thời gian mang thai, bị giảm khả năng chú ý, giảm khả năng học tập, chỉ số thông minh (IQ) giảm 4 điểm so với trẻ nhóm chứng có cùng độ tuổi (8 tuổi).

Nếu suy giáp do nguyên nhân tự miễn, các kháng thể tự miễn dịch sẽ qua rau thai và có thể gây suy giáp thoáng qua ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Nếu nồng độ anti TPO, TRAb cao ở mẹ, chứng tỏ mẹ suy giáp do viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto, con sinh ra có chỉ số thông minh thấp hơn 10 điểm so với trẻ cùng độ tuổi (5 tuổi).

Phụ nữ mang thai nào cần phát hiện sớm suy giáp trong thời gian có thai

- Có tiền sử phẫu thuật cắt tuyến giáp, điều trị phóng xạ vùng đầu cổ, điều trị Iod phóng xạ.

- Có các bệnh lý tự miễn, tiền sử gia đình bị các bệnh lý tự miễn dịch (Đái tháo đường typ 1, viêm khớp dạng thấp).

- Có tiền sử bệnh lý tuyến giáp.

- Ở trong vùng thiếu Iod.

- Có bướu cổ.

- Đang điều trị suy giáp.

Với các đối tượng này, khi chuẩn bị có con cần được làm xét nghiệm TSH và FT4 để đánh giá chức năng tuyến giáp và trong quá trình mang thai cũng phải theo dõi thường xuyên.


Ý kiến bạn đọc