Phát triển mạnh mô hình bác sĩ gia đình

10:34, 11/01/2016
|

(VnMedia) - Bộ Y tế đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn chỉnh mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Riêng Hà Nội đặt mục tiêu mô hình bác sĩ gia đình góp phần giải quyết 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở....

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chưa định hình rõ mô hình bác sĩ gia đình

Hiện nay, mô hình Bác sĩ gia đình được triển khai tại các trạm y tế, bệnh viện quận, huyện và một số cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, việc hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin đang khiến cho mô hình bác sĩ gia đình ở những nơi này chưa có sự đồng bộ, hệ thống. Một hồ sơ bệnh nhân được thiết lập ở phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm y tế thì ở các bệnh viện huyện hay tỉnh cũng phải có thông tin của người này. Trên thực tế, ngay tại nơi đang được triển khai thí điểm cũng chưa thực hiện được điều này.

Theo giá của lãnh đạo Bộ Y tế, hoạt động của mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn: Đa số tại các đơn vị triển khai mô hình bác sĩ gia đình, cán bộ tham gia chưa có chứng chỉ hành nghề nên chưa được cấp phép thành lập Phòng khám bác sĩ gia đình.  Mô hình cũng chưa thu hút sự tham gia đầu tư của tư nhân. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình dù đã được đào tạo liên tục trong 2 năm qua nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Các phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép tại Trạm y tế gặp nhiều khó khăn, vì người dân chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế.

Sở dĩ có những khó khăn trên là do ở Việt Nam vẫn chưa định hình rõ mô hình bác sĩ gia đình. Trong khi đó, mô hình này đang được Bộ Y tế chủ trương nhân rộng trên cả nước trong thời gian tới, nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân cũng như góp phần giảm tải bệnh viện. 

Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cầu Giấy cho biết, khó khăn hiện nay trong hoạt động của Phòng khám bác sĩ gia đình là người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình bác sĩ gia đình, nên tham gia đăng ký quản lý sức khỏe còn hạn chế. Bệnh nhân khám chữa bệnh không được thanh toán BHYT trái tuyến gây khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân phải chuyển tuyến hầu như Phòng khám không nhận được phản hồi chuyển tuyến của tuyến trên để tăng thêm hiệu quả quản lý và điều trị bệnh nhân….

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn chỉnh mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, trong đó đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi hồ sơ, bệnh án giữa các phòng khám bác sĩ gia đình và với các cơ sở khám chữa bệnh khác.

TS. Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, bác sĩ gia đình hiện nay vẫn đang là mô hình mới, người dân chưa biết đến nhiều, vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân biết đến mô hình khám chữa bệnh này, đó là: chăm sóc dự phòng, giúp người dân nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh thông thường và quản lý sức khỏe theo hộ gia đình. Tăng tính hấp dẫn cho mô hình bác sĩ gia đình ngoài việc chi trả bằng bảo hiểm y tế thì cần phải có mức giá dịch vụ phù hợp nhằm tạo động lực hấp dẫn để các địa phương triển khai rộng mô hình bác sĩ gia đình.

Theo TS Tường, mô hình khám chữa bệnh bác sĩ gia đình nếu được triển khai tốt tại các địa phương sẽ giảm áp lực quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. 

Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mạnh mô hình bác sĩ gia đình

Theo Kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, năm 2016, Sở Y tế tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình trong hệ thống y tế của thành phố nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và kiện toàn mạng lưới mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, củng cố hoạt động của 76 mô hình phòng khám đã có; mở rộng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại 2 phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế, 1 mô hình tại bệnh viện tuyến huyện. Các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện chuyên khoa thành lập phòng khám bác sỹ gia đình hoặc tổ đón tiếp bệnh nhân chuyển tuyến y học gia đình; khuyến khích mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân; tổ chức truyền thông và nâng cao nhận thức về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình; triển khai thực hiện chuyển tuyến bác sỹ gia đình trong quản lý và điều trị tại mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu là một trong những tỉnh, thành phố triển khai tốt mô hình bác sĩ gia đình, góp phần giải quyết 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở.


Ý kiến bạn đọc