Khẩn cấp ngăn chặn virus Zika xâm nhập vào Việt Nam

08:31, 30/01/2016
|

(VnMedia) - Chiều 29/1, Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC), Bộ Y tế đã họp khẩn về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và các biện pháp phòng chống. 

Virus zika cực kỳ nguy hiểm!
Virus zika cực kỳ nguy hiểm!

Cục Y tế dự phòng cho biết: Trong năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại khu vực châu Mỹ và châu Phi. Vi rút Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại khu vực châu Mỹ. Vi rút Zika là một loại vi rút truyền qua muỗi Aedes - loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi nhiễm vi rút, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Hầu hết các trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng. Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika. 

Bộ Y tế dự báo, Việt Nam hoàn toàn có thể ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika vì có sự giao lưu, đi lại, thương mại, du lịch với các quốc gia đang có dịch. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã thường xuyên phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika; xây dựng dự thảo hướng dẫn giám sát, phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tăng cường giám sát tại cửa khẩu và tại cộng đồng. 

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới; xử lý phương tiện vận tải hàng hóa từ vùng có dịch, đặc biệt là người nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế làm tốt công tác chuẩn bị để sẵn sàng tiến hành thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân theo quy định, hạn chế tử vong; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; tăng cường truyền thông về cách phòng chống dịch bệnh. 

Để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành bệnh chủ động theo dõi sức khỏe của mình, nếu có biểu hiện sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. 

Người dân cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần diệt bọ gậy, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Bên cạnh đó, mọi người cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống dịch…

Tổ chức y tế thế giới đã phải triệu tập cuộc họp khẩn sau khi virus Zika ăn não người lây lan nhanh chóng và xuất hiện tại 24 quốc gia trên thế giới.

Tại cuộc họp khẩn, WHO nhận định rằng virus Zika ăn não người là cực kỳ nguy hiểm và đáng lo ngại. Dù chưa có bằng chứng xác thực chứng minh virus này gây ra bệnh đầu nhỏ hay truyền từ mẹ sang con. Kể từ khi được phát hiện đầu tiên tại Brazil vào tháng 5/2015, đến ngày 29/01/2016 virus này đã lan truyền tới 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ.

WHO: Virus Zika ăn não người cực kỳ nguy hiểm

Trước tình trạng virus Zika lây lan bùng nổ ở mức độ báo động, thứ Hai tới (1/2), WHO sẽ tiếp tục họp để quyết định việc bùng phát virus này có cần được ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế hay không.

Cũng theo WHO, hiện tại các nhà khoa học đã bắt tay vào việc điều chế vacxin phòng virus ăn não Zika. Tuy nhiên, thực tế để nghiên cứu phát triển được loại vacxin này cần ít nhất khoảng 10 năm.

Theo lời Giáo sư Nikos Vasilakis tại Trung tâm Phòng vệ Sinh học và Ngăn chặn Bệnh Truyền nhiễm Galveston, loại vacxin mới khó có thể được điều chế trong vài tháng vì rất khó để xác định người bệnh và thu thập đủ mẫu tế bào cho công việc nghiên cứu.


Ý kiến bạn đọc