Cha mẹ làm gì khi khi con bị bạn bắt nạt?

16:23, 22/01/2016
|

(VnMedia) - Những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường trở nên phổ biến hơn. Bạo lực học đường xuất phát từ các xung đột, hiềm khích giữa các học sinh, thường diễn ra ở cả hai hình thức: bạo lực về thể chất và bạo lực về tinh thần.

Trẻ em bị bắt nạt thường sợ đến trường, đứa trẻ đó sẽ đưa ra nhiều lý do như đau đầu hay đau bụng hoặc không thích môn học nào đó. Về lâu dài, hậu quả của việc bị bắt nạt có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ trẻ em bị bắt nạt dễ mắc các bệnh như trầm cảm, lo âu, thiếu tự tin hoặc các chứng bệnh tâm thần khác. Trẻ bị bắt nạt thường có nhiều khả năng suy nghĩ về việc tự tử, và một số những vết thương có thể vẫn còn khi đã trưởng thành. Hãy lắng nghe những điều con bạn muốn chia sẻ, sau đó giúp con bạn biết cách tránh đi sự bắt nạt hoặc xử lý tình huống khi con bạn bị bắt nạt.

Ths-Bs Quách Thúy Minh, Nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh- Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để giúp trẻ tránh được tình huống này bố mẹ nên hướng dẫn chỉ bảo con cách ứng xử tốt với bạn bè trong trường lớp và với những người xung quanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây ra xung đột của trẻ với bạn bè

- Trêu chọc bạn bằng hình ảnh: vẽ biếm họa, bĩu môi với bạn…
- Trêu chọc bằng lời lẽ không văn hóa hoặc nói xấu bạn
- Có những hành vi thô bạo do vô tình hay cố ý…Không nói xin lỗi khi vô tình va chạm với bạn… 

Để phòng ngừa trẻ bị đánh bố mẹ nên dặn dò con nhờ bạn giúp đỡ,  tránh đi tới chỗ dễ xẩy ra đánh nhau, không có cử chỉ hành vi khiêu khích trẻ khác, không đánh lại chúng, có thể nói: “ Bạn thôi ngay đi, nếu không tôi sẽ mách cô giáo”. Dặn trẻ hô to lên và ra dấu nếu bị bạn đánh, chạy đến chỗ có người lớn và kêu cứu thật to, tìm cách thoát thân, nhờ giáo viên, bố mẹ trợ giúp để không bị đánh đập. Chỉ cho con biết những nguyên nhân dẫn đến xung đột, đặt ra những tình huống khác nhau để hướng dẫn trẻ cách giải quyết xung đột: học kỹ năng giao tiếp, ra quyết định, tự phòng vệ…

Dấu hiệu để biết con bạn đang bị bắt nạt

Nếu con bạn bị bắt nạt, chúng có thể im lặng không nói, hoặc tỏ ra xấu hổ, sợ hãi hay bối rối. Bạn hãy nhìn vào các dấu hiệu sau để nhận biết :

- Quần áo hoặc các đồ dùng cá nhân bị hư hỏng hoặc bị mất
- Không giải thích được các vết bầm hay vết thương trên cơ thể
- Rất ít bạn bè và không gần gũi với mọi người
- Miễn cưỡng đến trường
- Thường xuyên nói nhức đầu, đau bụng hoặc các triệu chứng khác
- Khó ngủ hoặc biếng ăn

Cha mẹ cần làm gì?

Theo Ths-Bs Quách Thúy Minh, khi xảy ra sự việc trẻ bị bạn đánh, bố mẹ nên bình tĩnh để tìm ra biện pháp thích hợp. Nên xác minh xem trẻ giao lưu với ai, tìm hiểu vể đứa trẻ đã hành hung con mình, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị đánh, nắm chi tiết của sự việc xô xát. Sau đó gặp gỡ phụ huynh của trẻ đó trao đổi  để cả hai gia đình giáo dục, khuyên nhủ ngăn ngừa sự tái phạm. Gặp  giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình. Nên đề nghị giáo viên tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa vui vẻ để trẻ hiểu biết lẫn nhau hơn và tránh xung đột. Có thể đề nghị nhà trường tăng cường hệ thống và biện pháp bảo vệ hiệu quả, răn đe và xử nghiêm minh những hành vi bạo lực học đường

Nếu bố mẹ chứng kiến cảnh con mình bị bạn dọa dẫm thì nên đến ngay chỗ đó để chúng biết mình là bố mẹ của trẻ. Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng do sợ bị trả thù hoặc không nên thờ ơ bỏ qua chuyện con bị dọa nạt vì cho rằng đó là chuyện nhỏ của trẻ con. Khi con kể lại sự việc không nên mắng con vì có thể lần sau con sẽ giấu đi không dám kể.

Nếu chứng kiến con đang bị đánh bố mẹ nên kéo con ra khỏi nơi đó, ôm con vào lòng làm chỗ dựa cho con, không mắng mỏ con. Dạy con làm thế nào để các bạn tôn trọng mình như học giỏi, biết cách xử sự, ăn mặc sạch sẽ…


Ý kiến bạn đọc