Các bệnh thường gặp khi trời rét

15:01, 29/01/2016
|

Thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp, có các đợt rét đậm rét hại kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính về xương khớp, hô hấp...

Vì vậy mỗi cá nhân, hộ gia đình cần chủ động chuẩn bị kỹ càng để phòng chống rét: nhà cửa phải được che chắn kỹ, chăn đệm đảm bảo đủ ấm, mặc ấm trước khi đi ra ngoài, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Ngoài ra với thời tiết lạnh có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, cộng thêm khả năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm, tất cả là điều kiện thuận lợi để vi trùng, virus, nấm mốc, ký sinh trùng... phát triển nên con người dễ mắc bệnh, đặc biệt là cảm cúm và cảm lạnh.

Biểu hiện của cảm cúm là mệt mỏi, đau người, sốt, nhức đầu, lừ đừ, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Khi bị cảm cúm chúng ta cần đeo khẩu trang để tránh lây cho người khác, không tự ‎dùng kháng sinh bừa bãi khi không có chỉ định của bác sĩ, điều trị triệu chứng hạ sốt, giảm đau, rửa mũi và tăng cường dinh dưỡng. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi trong 1 đến 2 tuần.

Chứng cảm lạnh thì biểu hiện thường gặp là da nhợt, ớn lạnh hoặc rét run, cổ họng đau, hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi, chảy nước mắt, buồn nôn, nôn, có trường hợp đau quặn bụng và đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Xử trí khi có người cảm lạnh là lập tức làm ấm bệnh nhân bằng cách đưa vào phòng ấm, đắp chăn, sưởi ấm, cho uống nước gừng ấm khi thấy môi hồng, người ấm lên là được.

Các bệnh về da hay gặp

Mày đay do lạnh: Có 2 dạng, gồm: Mày đay di truyền và mày đay mắc phải. Mày đay di truyền ít gặp hơn mày đay mắc phải. Thường xảy ra sau khi tiếp xúc với không khí lạnh thì bị nổi các sẩn, mảng màu đỏ, sưng phù, ngứa dữ dội ở một hay nhiều vùng (thường gặp nhất là những vùng da hở như mặt, tay, chân); nặng hơn thì sẩn và mảng phát khắp toàn thân, kích thước có thể nhỏ hoặc cũng có thể lớn như cái đĩa.

Mày đay kéo dài vài phút đến vài giờ khi ngừng tiếp xúc với lạnh và có thể tái phát nhiều lần trong ngày. Một số trường hợp nặng sẽ xuất hiện mày đay lan tỏa, hạ áp, sốc, bất tỉnh, thậm chí tử vong.

Chàm khô: Xuất hiện sau khi da rơi vào tình trạng khô quá mức, hay xảy ra ở người già. Mảng chàm có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào nhưng thường gặp nhất là vùng mặt duỗi của chân. Hai chân trở nên khô, tróc vảy và khi cào gãi nhiều sẽ tạo nên những mảng da dày, những mảng đỏ với các vết nứt nông, ngang, dài xuất hiện kèm theo khô và ngứa dữ dội.

Các mảng chàm có thể nặng lên thành đợt cấp có hình ảnh vết nứt ngang, sâu, rộng có tiết dịch và tạo mủ. Người bệnh thường kêu đau nhiều hơn là ngứa và có thể chuyển sang chàm bội nhiễm vi khuẩn.

Khô da: Da bị mất nước sẽ dẫn đến tình trạng khô, ẩm mốc, dễ bị kích thích gây ngứa. Khi gãi, trên da xuất hiện những vệt trắng. Nếu không can thiệp kịp thời hoặc người bệnh sử dụng thuốc bôi và xà phòng không thích hợp thì da sẽ có thể bị chàm hóa, chảy nước, có mụn nước.

Nứt môi: Cũng do tình trạng mất nước gây ra. Đầu tiên là môi bị khô, bong vảy, từ từ dẫn đến nứt, gây đau, chảy máu. Nếu không được điều trị đúng, môi sẽ bị chàm hóa, nhiễm trùng, gây ăn uống khó khăn và mất thẩm mỹ.

Nứt gót chân: Thường gặp ở nữ. Vị trí thường bị là gót và đầu ngón chân cái, ngón út với biểu hiện da dày lên, có những đường nứt dọc xung quanh gót chân, ở ngón cái thì bị nứt cả đường dọc và ngang. Lâu ngày, những vết nứt dài ra và sâu hơn, gây đau đớn, chảy máu, đi lại khó khăn. Hiện tượng này cũng có thể gặp ở phần da tay nhưng ít hơn ở chân.

Việc phòng ngừa các bệnh da do thời tiết lạnh không quá khó. Thường xuyên cung cấp độ ẩm cho da sẽ lập ra hàng rào cản bảo vệ chống lại da khô và kích ứng.

Để phòng bệnh khi thời tiết rét đậm rét hại chúng ta cần hạn chế tối đa việc ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức, đặc biệt không dùng điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ cao dẫn tới chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá cao khiến trẻ dễ bị bệnh. Tốt nhất nên để trẻ ở những nơi thoáng, có sự đối lưu không khí. Duy trì vận động và tập thể dục trong nhà. Khẩu phần ăn cần tăng thêm calo, chất béo, các gia vị cay nóng... Tuy nhiên, mọi người cần biết để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra như ngộ độc CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong phòng đóng kín, bỏng lửa, ngạt thở khi mặc quá nhiều áo cho trẻ…


Ý kiến bạn đọc