Vắc xin dịch vụ hiện rất khó khăn và khan hiếm

08:16, 27/12/2015
|

(VnMedia) - Đó là thông tin được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại buổi họp báo để cung cấp thông tin về vấn đề tiêm chủng vắc xin và tình trạng khan hiếm vắc xin ngày 26/12.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện áp dụng hai hình thức tiêm chủng vắc xin cho trẻ em là tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Chính vì vậy đã dẫn đến việc phụ huynh so sánh là miễn phí là không tốt, còn dịch vụ là tốt. Do vậy đã xảy ra việc chen lấn, xô đẩy để chờ tiêm dịch vụ.

Ông Phu nhấn mạnh, từ trước đến nay tiêm chủng mở rộng được đánh giá thành công trên thế giới và khuyến cáo người dân không nên quay lưng với tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay trên thế giới đang khan hiếm vắc xin Pentaxim, không riêng gì Việt Nam. Vì vậy, trong trường hợp trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Pentaxim rồi, nhưng đến mũi tiếp bị thiếu thì phải tiêm vắc xin Quivaxem, không được đợi mà phải tiêm đúng lịch và đầy đủ.

Lý giải về việc khan hiếm vắc xin, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược lý cho biết, hiện trên thế giới có 3 nhà sản xuất đủ công nghệ để sản xuất vắc xin ho gà vô bào, đó là Nhật Bản, hãng GSK và Sanofi. Tuy nhiên, Nhật Bản đã từ chối xuất khẩu vắc xin, sau khi đoàn công tác của Việt Nam đã nhiều lần làm việc trực tiếp. Trong khi đó, GSK cho biết năm trước họ đã phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể nên phải sản xuất lại, tốn nhiều thời gian. Thêm vào đó là tình hình dịch bệnh trên thế giới khiến nhu cầu vắc xin tăng cao, các doanh nghiệp GSK và Sanofi ưu tiên cho các quốc gia dùng vắc xin này trong tiêm chủng mở rộng.

Về vấn đề này, ông Trần Đắc Phu cho biết: Vắc xin dịch vụ hiện rất khó khăn và khan hiếm. Không phải Bộ Y tế cấm nhập khẩu vắc xin mà nhà sản xuất không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nên Việt Nam không nhận được số lượng lớn. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất thay đổi công nghệ, thay đổi địa điểm sản xuất và cũng có những lô vắc xin không đạt phải sản xuất lô khác. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu phải có một số lượng vắc xin dịch vụ nhất định để phục vụ cho một số đối tượng. Đến nay, số vắc xin dịch vụ sẽ được nhập về Việt Nam là gần 200.000 liều.

Chính vì vậy, không phải vì thiếu 2 vắc xin này mà trẻ em không được tiêm các vắc xin khác tương ứng. Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn cung ứng đầy đủ vắc xin Quinvaxem. Thành phần của vắc xin Quinvaxem tương đương với vắc xin Pentaxim (5 trong 1 dịch vụ).

Theo thống kê của ngành y tế, tại nước ta 1 năm có khoảng 4,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ; còn lại dưới 10% tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1. Thời gian gần đây khi khan hiếm vắc xin dịch vụ thì các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng đã tiêm vắc xin Quinvaxem và đã tiêm được một số lượng lớn.

Trong nghiên cứu cho thấy: Vắc xin Quinvaxem là vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào gây ra phản ứng sốt, thậm chí sốt trên 38 độ C; gây phản ứng đau tại chỗ tiêm, trẻ quấy khóc nhiều hơn vắc xin vô bào. Vì vậy, dẫn đến tâm lý e ngại của các bà mẹ khi cho trẻ tiêm vắc xin này. Tuy nhiên cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng, phản ứng nặng của vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, thậm chí cũng có những rủi ro thấp là tử vong thì cũng giống như vắc xin Quinvaxem.

Ông Phu lo ngại tình trạng người dân quay lưng lại với vắc xin Quinvaxem, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng mở rộng giảm sút. "Nếu phụ huynh không tiêm chủng mở rộng nữa, không tiêm Quinvaxem, dịch sẽ bùng lên", ông Phu chia sẻ.


Ý kiến bạn đọc