Mẹo giúp cha mẹ đối phó với trẻ bị táo bón

07:17, 31/12/2015
|

(VnMedia) - Táo bón rất phổ biến ở trẻ em, nguyên nhân thường không liên quan tới bệnh lý thể chất. Nhiều cha mẹ, do chưa hiểu biết đúng nên mỗi lần thấy con táo bón là sốt sắng tìm đủ biện pháp từ đông đến tây y những mong giúp con mau cải thiện tình hình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác sỹ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ một số cách đơn giản giúp cha mẹ đối phó với chứng táo bón ở trẻ:

Củng cố lòng tự tin của trẻ: Khen ngợi bé vì những tiến bộ nhỏ nhất, chẳng hạn khen khi bé chịu uống thuốc đúng giờ hay ngồi bô sau bữa ăn.

Kỷ luật nghiêm minh: Cha mẹ cần đề ra quy định cụ thể, giúp trẻ hiểu mình cần làm gì để chiến thắng táo bón: phải uống thuốc đều đặn, ăn lành mạnh, uống đủ nước, lắng nghe tín hiệu của cơ thể, dành thời gian đi tiêu mỗi ngày. Đôi khi những phần thưởng nho nhỏ có thể phát huy tác dụng lớn, một buổi đi chơi công viên hay một đồ chơi xinh xắn có thể giúp bé hào hứng hơn trong việc tuân thủ các quy định của cha mẹ.

Dành thời gian cho bé đi vệ sinh: Đảm bảo bé có đủ thời gian mỗi ngày để đi vệ sinh mà không phải vội vàng. Điều này có thể đồng nghĩa với việc bố mẹ phải dậy sớm thêm 10 phút mỗi sáng hoặc lên kế hoạch để có 10  phút rỗi rãi sau giờ ăn tối. Chỉ nên cho trẻ ngồi bô hoặc bồn cầu 5-10 phút. Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể phải ngồi cạnh và trò chuyện với con trong nhà vệ sinh và giúp con lau rửa sau khi bé hoàn thành nhiệm vụ.

Làm gương tốt cho con:Khi bạn có nhu cầu đi tiêu, hãy thông báo cho con và đi ngay vào nhà vệ sinh để làm gương.

Tỏ ra mềm dẻo: Duy trì nếp sinh hoạt đều đặn là điều quan trọng, tuy nhiên đôi khi thái độ mềm dẻo cũng sẽ tỏ ra rất hữu ích.

Tăng cường giao tiếp: Nếu bé đã đủ lớn, hãy trò chuyện thường xuyên về những tiến bộ của con và dùng lời lẽ đơn giản giải thích về ảnh hưởng tích cực của thuốc, chế độ ăn lành mạnh và vận động tích cực. Trẻ càng hiểu rõ những vấn đề này bao nhiêu thì càng dễ phối hợp bấy nhiêu.

Bày tỏ tình yêu vô điều kiện của bạn: Đừng bao giờ trừng phạt hay chế diễu con vì tội ị đùn hay quên không đi tiêu. Cố gắng đừng nổi cáu khi nhu cầu đi tiêu của con làm xáo trộn kế hoạch trong ngày của bạn. Bé cần biết bạn vẫn yêu và ủng hộ con ngay cả khi bé thất bại. Những người thân khác trong gia đình và giáo viên ở trường học cũng cần giữ thái độ tương tự.

Tìm sự hỗ trợ từ người thân : Đối phó với trẻ bị táo bón là việc làm không mấy dễ chịu, chuyện này có thể khiến bạn nổi giận hoặc xấu hổ. Đi tiêu là nhu cầu của tất cả chúng ta và người nào trong cuộc đời mình cũng có lúc phải vật lộn với vấn đề này. Hãy trò chuyện cởi mở với người thân trong gia đình, với bạn bè, chia sẻ những khó khăn mà bạn và bé đang trải qua. Bạn rất cần sự thông cảm và hỗ trợ của họ. Hãy bình tĩnh, cùng với thời gian mọi chuyện sẽ trở nên ổn thỏa.

Dấu hiệu trẻ bị táo bón

- Đi tiêu ít hơn bình thường (dưới 3 lần/tuần)
- Đau và căng thẳng khi đi tiêu.
- Chán ăn, đau bụng, chướng bụng.
- Phân khô, cứng, tạo thành các cục nhỏ.
- Sợ đi tiêu và thậm chí sợ ngồi vào bồn cầu.
- Không có cảm giác mót tiêu.
- Có cảm giác đi tiêu chưa hết phân.
- Đau ở hậu môn.
- Phân có thể lẫn máu do nứt hậu môn.
- Phân có mùi khó chịu.
- Đái rắt, nhiễm trùng tiết niệu.
- Són phân lỏng.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ táo bón?

Phần lớn trẻ táo bón nhẹ hoặc trong thời gian ngắn, thường đáp ứng tốt với một số thay đổi sau:

- Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, và các thức ăn có nhiều chất xơ.
- Uống nước trái cây : nước mận, táo, lê.
- Uống ít nhất 960ml nước (không phải sữa) /ngày
-Tránh sữa, yogurt, phô mai, kem.
- Ngồi trên bồn cầu 5-10 phút sau bữa ăn ( đối với trẻ đang tập đi tiêu)

Khi nào cần cho trẻ đi khám bệnh ?

- Trẻ nhỏ hơn 4 tháng tuổi.
- Trẻ bị táo bón thường xuyên, tái phát.
- Đã điều trị táo bón, nhưng trẻ vẫn chưa đi tiêu sau 24 giờ.
- Có máu trong phân hoặc máu dính ở tã, quần lót.
- Trẻ đau bụng nhiều hoặc đau hậu môn.  


Ý kiến bạn đọc