Đau đầu ở trẻ em có thực sự nguy hiểm?

14:31, 21/12/2015
|

(VnMedia) - Đau đầu, nhức đầu ở trẻ em là phổ biến và thường không nghiêm trọng. Giống như người lớn, trẻ em có thể phát triển chứng đau nửa đầu, nhức đầu mãn tính hàng ngày hoặc căng thẳng liên quan đến nhức đầu, mặc dù các triệu chứng có thể khác nhau.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó trưởng khoa Miễn dịch dị ứng, BV Nhi Trung ương, Trưởng bộ môn Nhi Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, đau đầu ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân. Trước tiên cần xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu mới có hướng xử trí phù hợp.

Đối với một số trường hợp, đau đầu ở trẻ em là do một nhiễm trùng, mức độ cao của sự căng thẳng hay lo âu, hay chấn thương đầu nhẹ. Đau đầu ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân. Trước tiên cần xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu mới có hướng xử trí phù hợp.

Đau đầu do chấn thương: Nhiều trẻ bị đau đầu sau khi bị va chạm mạnh vào vùng đầu. Biểu hiện như đau đầu, nôn, buồn nôn, bầm tím vùng đầu, thậm chí có thể co giật, hôn mê.  Chính vì vậy, trẻ cần được đi khám  bác sĩ nếu  cơn đau đầu liên tục xấu đi  xảy ra sau chấn thương vùng đầu. 

Đau đầu do nhiễm trùng: Đau đầu, nhức đầu là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh nhiễm khuẩn ở  trẻ em. Khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm xoang, cảm lạnh và cảm cúm thường kèm theo nhức đầu. Cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để các bác sỹ thăm khám làm các xét nghiệm và có hướng điều trị phù hợp.

Đau đầu do trầm cảm: Khi trẻ  có vấn đề  căng thẳng và lo lắng, một trong các dấu hiệu thường gặp là  đau đầu. Trẻ em bị trầm cảm cũng có thể gây đau đầu, nhức đầu.

Đau đầu do môi trường:  Điều kiện trong môi trường,  thay đổi thời tiết có thể gây ra đau đầu.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng cho biết thêm, một số loại thực phẩm và đồ uống, một số các phụ gia thực phẩm bột ngọt có thể gây ra đau đầu. Ngoài ra, soda, cà phê, sô cô la và trà, có thể gây ra đau đầu. 

Theo khuyến cáo của bác sỹ, tốt nhất cha mẹ nên đưa con đi khám tại cơ sở y tế để các thầy thuốc xác định và có hướng xử trí phù hợp.

Những điều cha mẹ cần lưu ý

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý những cơn đau đầu có biểu hiện bất thường như: Đau đầu dữ dội, dai dẳng, đau đầu kèm buồn nôn, sốt cao, đau đầu kèm đau khối cơ vùng gáy, đau đầu kèm giảm hoặc mất thị lực, thính lực.

Khi trẻ kêu đau đầu, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm và xem xét các biểu hiện kèm theo. Cần cặp nhiệt độ cho trẻ xem trẻ có bị sốt không, hỏi trẻ xem có đau ở đâu không: đau họng, đau răng, đau tai... Bên cạnh đó xem trẻ có hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc màu da của trẻ có thay đổi không (xuất huyết, sung huyết, nổi mẩn...).

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần hỏi xem trẻ có buồn nôn và có bị nôn lần nào không. Cha mẹ cũng hỏi trẻ khi ngồi học trên lớp có thấy mỏi mắt, nhức đầu khi nhìn vào các chữ, số trên bảng và nhìn có rõ nét không. Khi đã biết được các thông tin nghi có liên quan đến chứng đau đầu của trẻ, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Khi có biểu hiện đau đầu khác thường, nên đến bệnh viện để khám cụ thể, chứ không nên vội quy cho đau đầu do “thời tiết” hay do “hội chứng tiền đình”.


Ý kiến bạn đọc