Bệnh viện phải có phòng tư vấn cho bệnh nhân và người nhà

15:45, 14/12/2015
|

(VnMedia) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện.

Theo đó, căn cứ quy mô giường bệnh, điều kiện về nhân lực, kinh phí và phạm vi hoạt động chuyên môn, Giám đốc bệnh viện quyết định thành lập hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Phòng Công tác xã hội thuộc bệnh viện hoặc Tổ Công tác xã hội thuộc Khoa khám bệnh hoặc Phòng điều dưỡng hoặc Phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện.

Phòng công tác xã hội trong bệnh viện có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện nhiệm vụ thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; Vận động tiếp nhận tài trợ; Hỗ trợ nhân viên y tế; Cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị; Đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội của bệnh viện và tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng (nếu có).

Phòng Công tác xã hội có Tổ Hỗ trợ người bệnh (do Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng trực tiếp phụ trách) đặt ở khoa Khám bệnh của bệnh viện. Ngoài Tổ Hỗ trợ người bệnh, phòng Công tác xã hội còn có các bộ phận nghiệp vụ cần thiết khác.

Nhân lực của phòng Công tác xã hội bao gồm các viên chức, nhân viên chuyên ngành công tác xã hội; chuyên ngành truyền thông, y tế hoặc ngành khoa học xã hội khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và với nhân viên y tế. Do đó, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bệnh viện là nơi cần có hoạt động của công tác xã hội nhất.

Hiện nay, tại một số bệnh viện đã triển khai hoạt động xã hội để giúp người bệnh giải quyết một số nhu cầu. Trong khi đó tại hầu hết các bệnh viện trong cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như hướng dẫn giải thích về qui trình khám chữa bệnh, tư vấn về phác đồ điều trị, cách phòng ngừa bệnh tật cho đến hỗ trợ về tâm lý, tinh thần cho người bệnh, khai thác thông tin về đặc điểm nhân khẩu xã hội của người bệnh, cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ…thực trạng này đang dẫn đến không ít những phiền hà cho người bệnh tại các bệnh viện như: Sự thiếu hụt thông tin khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh, sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc…

Hoạt động công tác xã hội ở bệnh viện sẽ giúp cho mối quan hệ giữa nhân viên y tế và người bệnh, thân nhân người bệnh tốt hơn. Đây là một bước phát triển mới trong công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh.


Ý kiến bạn đọc