Làm thế nào để an toàn khi nhà phun thuốc muỗi?

11:51, 08/10/2015
|

Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch sốt xuất huyết ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, người dân vẫn cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút mới nên vào nhà...

Ngày 7/10, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 trường hợp tử vong. Trung bình, mỗi tuần có thêm từ 2.000 đến 3.000 ca mắc mới, số người mắc SXH tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện tại, số mắc tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, nhà máy và nhiều khu nhà trọ dành cho người lao động nhập cư như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tuy dịch đang ở giai đoạn đỉnh điểm, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân vẫn còn thơ ơ với dịch. Đặc biệt là những địa điểm có nhiều ổ dịch xảy ra, ngành y tế đã tiến hành phun thuốc muỗi nhằm ngăn chặn không cho dịch bùng phát. Trong khi đó, nhiều người dân vì lo ngại thuốc phun muỗi độc hại, nhất là với trẻ nhỏ nên đã kiên quyết không cho cán bộ y tế phun thuốc dập dịch.

Theo các chuyên gia hàng đầu về y tế dự phòng, việc phun thuốc diệt muỗi vằn phòng bệnh sốt xuất huyết không ảnh hưởng đến sức khỏe, bởi đây là thuốc thế hệ mới nhất đã được thử nghiệm.

Thuốc phun muỗi là thuốc đã qua kiểm duyệt và được cấp phép của Bộ Y tế. Vì vậy, thuốc hoàn toàn đảm bảo chất lượng và không gây ảnh hưởng độc hại tới sức khỏe người dân. Khi cán bộ y tế tiến hành phun muỗi, các hộ gia đình nên phủ, đậy kín các vật dụng gia đình, đồ ăn, quần áo. Mùi thuốc có thể hắc tuy nhiên, không độc, người dân có thể lánh địa điểm phun thuốc cho đỡ mùi hắc và sau đó quay lại sinh hoạt như bình thường.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, và bệnh không lây từ người sang người. Bởi vậy, biện pháp duy nhất để phòng bệnh là diệt lăng quăng/bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi vằn.

Theo ông Trần Đắc Phu, nếu có hàng xóm hoặc người sống trong cùng cụm dân cư bị sốt xuất huyết tức là nhà bạn đang nằm trong ổ dịch. Trạm y tế phường, xã sẽ tới từng nhà phun thuốc diệt muỗi cho cả khu. 

Ông Phu khẳng định, thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch sốt xuất huyết ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người. Các sản phẩm diệt côn trùng hiện nay gồm ba nhóm: Nhóm có gốc clo hữu cơ, nhóm có gốc phốt pho hữu cơ và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là nhóm Pyrethrine thuốc thuộc thế hệ mới nhất, là thuốc hàng đầu và đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam cho kết quả an toàn. Hiện các nước trên Thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở. Sau khi phun, người dân chỉ cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút là vào nhà an toàn. Với một số người có bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ có dễ bị kích ứng (có thể bị ho) thì nên tránh ra ngoài lâu hơn từ 2 tới 3 tiếng sau đó vào nhà.

Ông Cảm lưu ý, loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun chống dịch. Nếu nơi nào phun hóa chất chống dịch thu tiền thì không phải lực lượng chống dịch của ngành y tế. Người dân thấy hiện tượng này cần báo lại ngay cho chính quyền ngay lập tức.

Phạm Minh


Ý kiến bạn đọc