Thất thế ở Syria, Mỹ quay sang khuấy đảo Ukraine?

11:05, 07/10/2015
|

(VnMedia) - Mỹ đang bị lu mờ trước Nga ở Syria. Trong bối cảnh đó, có tin Mỹ đang chuẩn bị “tung chiêu độc” ở Ukraine. Phải chăng cảm thấy thất thế ở Syria, Mỹ định quay sang khuấy đảo Ukraine?

 

Việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể sẽ khiến tình hình ở quốc gia Đông Âu qua trở lại vạch xuất phát.
Việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể sẽ khiến tình hình ở quốc gia Đông Âu qua trở lại vạch xuất phát.

 

Mỹ hứa cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine?

Tổng thống Petro Poroshenko hồi cuối tuần vừa rồi tiết lộ thông tin đầy bất ngờ, theo đó Mỹ được cho là đã cam kết cung cấp vũ khí mới cho Ukraine.

Hãng tin Itar Tass dẫn lời ông Poroshenko phát biểu trên đài truyền hình quốc gia cho biết, “trong khi ở New York, tôi đã có 3 cuộc gặp gỡ với Tổng thống Barack Obama – trước và sau cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong các cuộc gặp đó, ông Obama đã nói với tôi rằng, ông ấy vừa ký một văn bản cho phép Mỹ cấp vũ khí mới cho Ukraine”.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: “Chúng tôi cần những thứ vũ khí đó như cần không khí để thở”.

Hãng tin Kyiv Post cũng đưa tin, Tổng thống Poroshenko nói rằng, ông chủ Nhà Trắng đã ký một sắc lệnh cung cấp các loại vũ khí phòng vệ mới cho Ukraine. Vũ khí mới sẽ được sử dụng để giúp quân đội Ukraine phát hiện các vụ phóng tên lửa, tờ Bloomberg dẫn nguồn tin từ một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho hay.

Theo Bloomberg, quân đội Ukraine đã nhận được súng trường và vũ khí chống tăng.

Động thái trên của Mỹ lại một lần nữa khiến người ta phải bất ngờ bởi nước này cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu đang có nhiều dấu hiệu tiến triển lạc quan.

Cụ thể, thỏa thuận ngừng bắn đã được quân đội Kiev và lực lượng ly khai duy trì nghiêm túc từ hôm 2/10 đến giờ. Tiếp đó, các bên đối địch nhau trên chiến trường ở miền đông Ukraine hồi cuối tuần vừa rồi đã bắt đầu rút vũ khí hạng nhẹ hơn ra khỏi vùng chiến tuyến.

Cuộc họp của Bộ Tứ Normandy hồi cuối tuần vừa rồi cũng đã vạch ra một kế hoạch chi tiết để tiến tới việc giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mặc dù trong cuộc gặp của Bộ Tứ gồm lãnh đạo của 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine, Tổng thống Poroshenko vẫn giữ lập trường cứng rắn nhưng ông này đã nhận được thông điệp kiên quyết từ các đồng minh của chính mình. Pháp và Đức đang thể hiện mong muốn rất lớn trong việc sớm kết thúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vì thế hai nước này đòi hỏi Kiev cũng như lực lượng ly khai đều phải có những bước đi nhượng bộ, thỏa hiệp.

Việc Mỹ bất ngờ đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vào thời điểm này rõ ràng gây ra những sự hoài nghi. Trước đó, bất chấp mọi lời kêu gọi, khẩn cầu từ Kiev, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn kiên quyết phớt lờ. Nhiều người đang đặt câu hỏi, phải chăng bị mất mặt ở Syria, Mỹ tìm cách “cứu vãn thể diện” hoặc kéo sự chú ý của dư luận ra khỏi khu vực Trung Đông bằng cách khuấy đảo tình hình Ukraine.

Tổng thống Obama đã bị hứng đòn giáng choáng váng ở “mặt trận” Syria sau khi Nga chính thức can thiệp quân sự vào đây. Chính quyền Mỹ đã chịu không ít những lời chỉ trích vì sự bất lực, yếu kém trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Mỹ cùng với một liên quân hùng hậu gồm nhiều nước lớn đã thực hiện chiến dịch không kích ở Syria suốt nhiều tháng qua mà vẫn không thể làm thay đổi tình hình ở nơi nay. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn tiếp tục lớn mạnh và tiếp tục gây ra những hiểm hoạ khôn lường đối với thế giới. Trong khi đó, kế hoạch đào tạo cho lực lượng nổi dậy ôn hoà ở Syria của Mỹ cũng thất bại. Mới đây, có thông tin một nhóm chiến binh nổi dậy Syria được Mỹ đào tạo đã tự nguyện giao nộp vũ khí và gia nhập vào IS thay vì chống IS như nhiệm vụ ban đầu được đặt ra cho họ.

Giữa lúc Mỹ thực sự lúng túng, loay hoay chưa biết làm thế nào để giải quyết tình hình ở Syria thì Nga bất ngờ cấp tập cung cấp vũ khí cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và triển khai vũ khí đến nơi này. Những động thái của Moscow đã khiến phương Tây sôi sục. Và đúng như dự đoán, ngày 30/9, Nga chính thức tham chiến ở Syria bằng việc lần đầu tiên phái chiến đấu cơ đi oanh kích các mục tiêu của IS. Chiến dịch không kích của Nga diễn ra liên tiếp trong mấy ngày qua và tỏ ra khá hiệu quả trong việc tiêu diệt lực lượng chiến binh IS cũng như các cơ sở hạ tầng trọng điểm của chúng.

Sự quyết liệt của Tổng thống Putin một lần nữa khiến ông Tổng thống Obama bị lu mờ. Nhiều nước trong khu vực Trung Đông nói riêng và trên thế giới bắt đầu quay sang đặt kỳ vọng vào Nga. Đây là diễn biến khiến Mỹ không tránh khỏi cảm giác “chạnh lòng” và “mất mặt”. Rõ ràng, uy thế và vị thế của siêu cường số 1 thế giới bắt đầu có dấu hiệu lung lay.

Và không rõ vô tình hay hữu ý, Tổng thống Obama lại hứa hẹn cung cấp vũ khí cho chính quyền Tổng thống Poroshenko. Điều này có thể sẽ gây ra hậu quả tiêu cực bởi Nhà lãnh đạo Ukraine được cho là vẫn cứng rắn và hiếu chiến nhưng đang bị vấp phải sức ép từ Pháp, Đức. Nếu cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev vào thời điểm này, Mỹ sẽ mở đường cho Tổng thống Poroshenko thoát khỏi sức ép từ hai đồng minh Pháp, Đức để tiếp tục lên gân với Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Diễn biến đó có thể phá vỡ tiến trình hoà bình đang tiến triển khá lạc quan trong thời gian vừa qua.


Ý kiến bạn đọc