Xung đột đẫm máu sắp nhấn chìm Kiev?

07:49, 04/09/2015
|

(VnMedia) - Một cuộc ly dị đẫm máu giữa chính phủ Kiev và các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan dường như sắp xảy ra. Nếu như Kiev ví cuộc biểu tình bạo lực trước tòa nhà Quốc hội của các nhóm cực đoan là “cú đâm sau lưng” thì các nhóm này lại cáo buộc chính quyền đang phản bội lại người dân. Liệu Kiev có chết chìm trong một cuộc xung đột đẫm máu?
 

Ảnh minh họa

Lực lượng an ninh Kiev và các thành phần cực đoan vừa có cuộc đụng độ đẫm máu ở trước Tòa nhà Quốc hội hôm thứ Hai đầu tuần.


Hôm thứ Hai đầu tuần (31/8), người ta đã chứng kiến một cảnh tượng kinh sợ quen thuộc trên các đường phố ở thủ đô Kiev. Cảnh tượng này báo hiệu một giai đoạn mới nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Một lần nữa, cảnh sát chống bạo động ở Kiev phải đối mặt với những người biểu tình cuồng nộ, giận dữ. Những người này cho rằng chính phủ đang phản bội lại đất nước và một lần nữa máu lại đổ tràn trên các vỉa hè. Kết quả là đã có 3 người thiệt mạng và đến 140 người bị thương.
 
Tuy nhiên, lần này, vai trò của những người chơi đã thay đổi. Lực lượng chống lại chính phủ Kiev hiện thời lại chính là những thành viên cầm lựu đạn của Đảng Svoboda và đảng Cánh Hữu. Đây là lực lượng từng là đồng minh sát cánh bên Kiev trong cuộc cách mạng Maidan và cả trong cuộc chiến ở miền đông. Các thành viên của Đảng Svoboda và Cánh Hữu lần này đã chọn mục tiêu mới là chính phủ thân phương Tây của Tổng thống Petro Poroshenko sau khi chính phủ này khiến họ tức giận bằng nỗ lực thay đổi hiến pháp theo hướng tiến hành phân quyền cho các khu vực như được quy định trong thỏa thuận Minsk II. Những thay đổi hiến pháp mà Kiev tìm kiếm sẽ mở đường cho việc cấp quy chế tự trị cho các khu vực miền đông Ukraine. Phương Tây coi đây là mấu chốt để giải quyết cuộc đối đầu giữa Kiev và lực lượng ly khai, từ đó có thể tháo gỡ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Tuy nhiên, các thành phần cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine lại cho rằng, hành động của Kiev đồng nghĩa với việc đầu hàng trước nước láng giềng Nga.
 
Cuộc đụng độ đẫm máu hôm thứ Hai đầu tuần liên quan đến vấn đề phân quyền thực ra là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn rất nhiều. Nó có thể là màn mở đầu cho một cuộc ly dị đẫm máu giữa chính phủ Kiev và các nhóm cực hữu của Ukraine.
 
“Mối tình” không mấy êm đẹp giữa Kiev và các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine bắt đầu nảy nở từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Các tổ chức phát xít mới như Svoboda, Người Yêu nước Ukraine hay Hội Những người theo Chủ nghĩa Dân tộc-Xã hội (SNA) không phải là lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng Maidan như Moscow từng nói.
 
Tuy nhiên, những nhóm cực đoan trên đã đứng ở vòng ngoài, đi bên cạnh những người Ukraine hòa bình trong đoàn biểu tình ủng hộ phương Tây và chống tham nhũng. Khi các cuộc biểu tình biến thành những vụ bạo lực thì rất nhanh chóng các nhóm cực hữu nhảy vào can thiệp, bảo vệ an ninh cho người biểu tình. Khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine bùng phát, cũng chính các nhóm cánh hữu, những thành phần cực đoan dẫn đầu cuộc chiến chống lại quân ly khai.
 
Quân đội chính quy của Ukraine với sức mạnh bị bào mòn vì nhiều thập kỷ tham nhũng và bị phớt lờ đã phải hứng chịu thất bại cay đắng trước lực lượng ly khai. Lực lượng duy nhất có thể duy trì thế ngang ngửa với lực lượng ly khai miền đông là những nhóm chiến binh mới thành lập từ các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đó là các nhóm Azov, Aidar và Cánh Hữu.
 
Những nhóm trên bắt đầu nổi lên thông qua các cuộc đụng độ ác liệt với lực lượng ly khai và cuộc chiến đàn áp các nỗ lực ly khai ở những khu vực nằm trong quyền kiểm soát của Kiev. Kết quả là họ ngày càng lớn mạnh kể cả về quy mô lẫn uy tín. Tướng lĩnh của các nhóm cực đoan được bầu vào Quốc hội Ukraine. Các đơn vị của họ được triển khai đến những điểm nóng then chốt trên mặt trận. Rốt cục, thứ từng bắt đầu là những nhóm phát xít mới đường phố bỗng chốc trở thành những chiến binh thiện chiến nhất của Ukraine.
 
Thực tế về việc các nhóm cực đoan từng chiến đấu sát cánh bên cạnh lực lượng Kiev đã tạo ra một ấn tượng ảo rằng họ là một thể thống nhất, đoàn kết với nhau. Trên thực tế, điều này hoàn toàn không đúng. Thứ duy nhất kết hợp hai lực lượng trên với nhau lại là họ có chung một kẻ thù. Kiev và các thành phần cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc đều chiến đấu chống lại lực lượng ly khai nhưng họ lại chiến đấu vì hai viễn cảnh khác nhau cho tương lai của đất nước Ukraine.
 
Mới đây, hôm 3/7, 3.000 người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan từng đổ ra các đường phố Kiev, hét vang khẩu hiệu “một quốc gia, một dân tộc – đó là Ukraine. Các lực lượng này công khai tuyên bố, họ chẳng có mong muốn hội nhập với Liên minh Châu Âu (EU) – một tổ chức mà họ cho là thoái hóa, họ cũng chẳng thích thú với việc phân quyền hay quyền bình đẳng. Các nhóm cực đoan ở Ukraine phản đối chương trình nghị sự dân chủ, thân phương Tây mà chính phủ Kiev theo đuổi. Không có sự nhương bộ, khoan nhượng khi Kiev tiếp tục thực hiện những cải cách mà phương Tây mong muốn. Lúc này, sự xung đột, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.
 
Các cuộc đụng độ ác liệt hồi đầu tuần không phải là vết nứt đầu tiên trong sự mâu thuẫn giữa Kiev và lực lượng cực đoan. Trong thời gian quan, đã rất nhiều lần, các thành viên của những nhóm diều hâu theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan dọa dẫm thực hiện một cuộc Maidan thứ hai lật đổ Kiev. Bản thân Kiev cũng thực sự muốn loại bỏ các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang cản trở con đường giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Với những diễn biến như trên, có thể nói tuần trăng mật của cuộc cách mạng Maidan đã kết thúc một cách đau đớn và các lực lượng cực đoan đang trở thành một mối đe dọa thực sự đáng ngại đối với chính quyền Kiev.


Kiệt Linh - (theo NI)

Ý kiến bạn đọc