Nga thanh trừng lãnh đạo quân ly khai Ukraine?

14:53, 10/09/2015
|

(VnMedia) - Một cựu lãnh đạo của lực lượng ly khai miền đông Ukraine hôm qua (9/9) đã lên tiếng cho biết, sự sụp đổ của ông là do “một âm mưu” không xác định gây ra. Ông này đã đột ngột mất chức trong một cải tổ đầy bất ngờ trong nội bộ quân ly khai. Có nguồn tin cho rằng, Nga đứng đằng sau âm mưu này.
 

Ảnh minh họa

Ông Andrei Purgin


Ông Andrei Purgin cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn rằng, ông đã bị giam giữ 4 ngày tại trụ sở cơ quan an ninh địa phương ở thành phố Donetsk trước khi được phóng thích. Ông này từ chối không cho biết lý do đằng sau việc ông bị bắt giữ cũng như bị cách chức Chủ tịch Quốc hội nước cộng hoà nhân dân Donetsk tự xưng.
 
Theo lời ông Purgin, ông sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi các hoạt động chính trị của mình thậm chí kể cả khi ông mất ghế trong Quốc hội.
 
Một số nhà quan sát tin rằng, việc lật đổ ông Purgin là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm buộc giới lãnh đạo lực lượng ly khai miền đông Ukraine phải chú ý hơn tới việc thực thi nghiêm túc thoả thuận hoà bình đạt được hồi tháng Hai đầu năm ở thủ đô Minsk của Belarus.
 
Thoả thuận Minsk yêu cầu chính quyền Kiev và lực lượng ly khai phải phối hợp với nhau trong việc tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Tuy nhiên, lực lượng ly khai đã tự ý đề ra kế hoạch tiến hành bầu cử vào tháng 10  mà không có sự đồng ý của chính quyền Kiev.
 
Chính phủ ở Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine thường xuyên đổ lỗi cho nhau về các vụ vi phạm thoả thuận ngừng bắn Minsk.
 
Ông Volodymyr Fesenko – một nhà phân tích chính trị độc lập ở Kiev, cho rằng, ông Purgin đã tìm mọi cách thúc ép Nga sáp nhập các khu vực lãnh thổ miền đông Ukraine nằm trong sự kiểm soát của lực lượng ly khai vào Nga giống như bán đảo Crimea. Đây là điều mà Moscow hoàn toàn không muốn.
 
Nhà phân tích Fesenko miêu tả người kế nhiệm của ông Purgin – ông Denis Pushilin là học trò của vị cố vấn điện Kremlin Vladislav Surkov – người giúp tạo ra một tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo ông Fesenko, ông Pushilin "luôn sẵn sàng nghe theo chính xác mọi mệnh lệnh của điện Kremlin".
 
Những thông tin được đưa ra ở trên hoàn toàn chưa được xác nhận về độ chính xác nhưng lâu nay Kiev cũng như phương Tây luôn tố cáo và tin rằng Nga đang đỡ đầu, hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine bắt đầu bùng lên từ hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu nổ ra khi Kiev phát động một chiến dịch quân sự nhằm đàn áp những người biểu tình không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền mới ở thủ đô Kiev sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm 2014.
 
Miền đông Ukraine đã bị nhấn chìm trong một cuộc xung đột khởi phát từ hồi tháng 4 năm ngoái và kéo dài cho đến tận bây giờ.
 
Gần 8.000 thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine
 
Theo con số mới nhất vừa được Liên Hợp Quốc công bố, đã có ít nhất 7.962 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, đụng độ ác liệt giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai ở chiến trường miền đông Ukraine.
 
Gần 8.000 người đã chết ở miền đông Ukraine kể từ hồi giữa tháng 4 năm ngoái, Cao uỷ về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc – ông Zeid Ra'ad Al Hussein cho biết hôm 8/9.
 
"Những vụ bắn phá bừa bãi nhằm và các khu vực dân cư từ cả hai phe đối địch ở khu vực chiến tuyến đã dẫn đến tình trạng gia tăng đáng sợ con số thương vong trong dân thường trong vòng 3 tháng qua. Chúng ta cần phải hành động nhiều hơn để bảo vệ dân thường và đặt một dấu chấm hết hoàn toàn cho tình trạng thù địch hiện nay, theo thoả thuận ngừng bắn Minsk đạt được hồi tháng Hai", ông Zeid cho biết khi trình bày bản báo cáo thứ 11 của Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Ukraine. Bản báo cáo này cho biết thông tin về tình hình Ukraine trong giai đoạn từ ngày 16/5 đến 15/8. Theo đó, số thương vong trong dân thường trong giai đoạn này đã tăng hơn gấp hai lần so với 3 tháng trước đó. Cụ thể, có ít nhất 105 người thiệt mạng và 308 người bị thương từ tháng 5 cho đến tháng 8 trong khi con số thương vong trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 lần lượt là 60 người chết và 102 người bị thương.
 
Thoả thuận Minsk đạt được hồi tháng Hai đã giúp giảm đáng kể tình trạng thù địch nhưng cá cuộc giao tranh, đụng độ lẻ tẻ vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, các bên đối địch nhau vẫn mải miết đổ lỗi cho nhau và không bên nào chịu nhượng bộ. Bất chấp những nỗ lực của Nga cùng với Pháp và Đức trong việc tìm kiếm một tiến trình hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chính quyền Kiev vẫn liên tiếp tung ra những tố cáo, cáo buộc gay gắt nhằm vào Moscow.
 
Chính quyền Kiev hiện đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Về phần mình, Nga kiên quyết bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc