Mỹ làm lành với “kẻ thù”: Sắp có đột phá bất ngờ?

21:00, 24/09/2015
|

(VnMedia) - Giáo hoàng Francis đang thực hiện chuyến công du 9 ngày gây chú ý lớn đến Cuba và Mỹ. Đây được xem là chuyến đi lịch sử đầy ý nghĩa, bởi nó được cho là sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đầy tích cực trong việc khôi phục lại mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama và phu nhân chào đón Giáo hoàng Francis


Hôm 19/9, Chủ tịch Cuba Raúl Castro đã chào đón Giáo hoàng người Argentine trong cơn gió mát lành của xứ Caribbean. Và không để lãng phí thời gian, Giáo hoàng nhanh chóng khen ngợi tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba - một tiến trình mà Giáo hoàng góp công không nhỏ với tư cách là người làm trung gian.

Giáo hoàng Francis và các quan chức Vatican là những nhân vật đứng đằng sau nhiều tháng trời đàm phán, gặp gỡ bí mật giữa Havana và Washington hồi năm 2014. Đỉnh cao của tiến trình đàm phán này là sự kiện Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama chính thức thông báo tin vui về việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ và Cuba sau hơn 53 năm thù địch, đối đầu.
 
“Trong mấy tháng qua, chúng ta đã chứng kiến một sự kiện đem đến cho chúng ta biết bao hy vọng: Đó là tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa hai dân tộc Mỹ và Cuba sau hàng chục năm bất hoà”, Giáo hoàng Francis phát biểu. “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị hãy duy trì con đường này, và tiếp tục phát triển mọi tiềm năng để đưa tiến trình này trở thành một tấm gương điển hình về sự hoà giải cho toàn bộ thế giới”.
 
Giáo hoàng Francis cũng nhờ Chủ tịch Cuba Castro chuyển đến Nhà cách mạng vĩ đại Fidel Castro “tình cảm đặc biệt kính trọng và yêu mến” của Giáo hoàng dành cho ông này. Trước chuyến thăm, Toà thánh Vatican cho biết, Giáo hoàng rất có thể sẽ có cuộc gặp gỡ với cựu Chủ tịch Fidel Castro, 89 tuổi. Và cuộc gặp này đã diễn ra vào hôm 20/9. Giáo hoàng Francis và cựu Chủ tịch Fidel Castro đã có cuộc trò chuyện kéo dài nửa giờ đồng hồ tại nhà riêng của ông Fidel. Toà thánh Vatican miêu tả cuộc gặp trên là không chính thức và diễn ra trong không khí như gia đình. Giáo hoàng Francis và cựu Chủ tịch Fidel trao đổi sách với nhau và thảo luận về những vấn đề lớn mà nhân loại thế giới đang đối mặt, trong đó có thông tri của Giáo hoàng được phổ biến rộng rãi gần đây về vấn đề môi trường và hệ thống kinh tế toàn cầu.
 
Về phần mình, Chủ tịch Castro đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Giáo hoàng vì vai trò của ông trong việc đưa Mỹ và Cuba gần lại với nhau, nối lại mối quan hệ ngoại giao. Ông Castro cũng kêu gọi Washington chấm dứt lệnh cấm vận kéo dài đã hơn 50 năm qua đối với Cuba, miêu tả đó là một lệnh cấm vận “bất hợp pháp, nhẫn tâm và phi đạo đức”.
 
Vatican bày tỏ hy vọng, chuyến thăm của Giáo hoàng Francis sẽ giúp đem lại một sự kết thúc đối với lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với đất nước Cuba xinh đẹp trong suốt 53 năm qua. Nếu điều này thực sự xảy ra thì đây sẽ là thành công lớn nhất trong chuyến công du lần này của Giáo hoàng Francis đến Cuba và Mỹ. Mọi hy vọng giờ đây đặt vào chuyến dừng chân tại Mỹ của Giáo hoàng Francis.
 
Mong chờ bước đột phá
 
Giáo hoàng Francis đã kết thúc chuyến thăm đến Cuba vào hôm 22/9 và ngay sau đó ông lên đường đến Mỹ. Ông sẽ đem theo “sợi dây kết nối” được bắt đầu từ Cuba đến đầu kia là Mỹ.
 
Tổng thống Obama và phu nhân Michelle, cùng với Phó Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill, đã đích thân đến đón chào Giáo hoàng Francis khi ông đặt chân xuống căn cứ Andrews ở bên ngoài thủ đô Washington.  
 
Những đồn đoán đang dấy lên về việc Giáo hoàng sẽ nói gì trên đất Mỹ khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama và lần đầu tiên có bài phát biểu trước Quốc hội  Mỹ đồng thời phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
 
Dù Giáo hoàng Francis đưa ra phát biểu gì thì người ta tin rằng ông đều đang nỗ lực hướng tới việc thúc đẩy tiến trình hoà giải giữa Mỹ và Cuba – một điều mà cộng đồng thế giới hết sức ủng hộ và mong muốn đón chờ.

"Giáo hoàng muốn đóng góp nhưng trách nhiệm vẫn nằm chính ở lãnh đạo của các quốc gia. Ông ấy không muốn vượt quá vai trò của mình, ông ấy chỉ muốn đóng góp bằng cách đưa ra những gợi ý, đề xuất, thúc đẩy đối thoại, công lý và lợi ích cho người dân”, phát ngôn viên của Toà thánh Vatican - ông Federico Lombardi cho biết.
 
Chuyến công du đến Mỹ và Cuba được đánh giá là chuyến đi ý nghĩa nhất của Giáo hoàng cho đến thời điểm này. Sự hiện diện của ông ở hai đất nước đang bắt đầu tiến trình bình thường hoá quan hệ sẽ là một cú huých, một động lực thúc đẩy hơn nữa tiến trình này. Sẽ là thiếu sót khi không đề cập đến ý nghĩa của chuyến công du của Giáo hoàng khi nó diễn ra đúng thời điểm cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp diễn ra.
 
Trong một tín hiệu nhỏ đáng hy vọng vừa được phát đi, hãng tin AP của Mỹ tiết lộ, họ nhận được thông tin rằng Mỹ có thể sẽ lần đầu tiên sẵn sàng chấp nhận sự lên án của Liên Hợp Quốc về lệnh cấm vận của nước này đối với Cuba mà không chống lại như mọi lần. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Barack Obama được cho là đang cân nhắc bỏ phiếu trắng thay vì phiếu chống như mọi lần trong cuộc bỏ phiếu hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc ủng hộ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc