Mỹ-EU chia rẽ cay đắng vì cơn địa chấn nhập cư

11:31, 07/09/2015
|

(VnMedia) - Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) tự coi mình là những mô hình kiểu mẫu của thế giới khi nói đến vấn đề dân chủ nhân quyền. Tuy nhiên, một vấn đề chung - nhập cư - đang là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ cay đắng giữa họ. Đây chính là cuộc thử thách mà Mỹ và EU phải trải qua để xem rằng họ có thể duy trì tình đoàn kết trong bối cảnh những cuộc tranh cãi căng thẳng về sự kiểm soát đường biên giới, vấn đề trục xuất và các giá trị quốc gia.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Trong Liên minh Châu Âu gồm 28 thành viên, một số nước đã tìm cách ngăn chặn làn sóng người nhập cư chưa từng có ập vào nước họ mong tìm một chốn nương thân để tránh khỏi những cuộc chiến tranh đẫm máu và sự nghèo đói khốn cùng ở Trung Đông và Châu Phi. Trong khi đó, Đức - đầu tàu của EU - đang phải căng sức xử lý con số 800.000 người nhập cư trong năm nay và đang muốn các nước khác phải cùng chia sẻ gánh nặng với họ.

 

Ở Mỹ, làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào nước này đã lắng dịu đi gần đây nhưng cuộc tranh cãi chính trị xung quanh chủ đề này vẫn còn hết sức nóng bỏng. Tỉ phú Donald Trump - ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hoà trong mùa bầu cử tới, đang ra sức tuyên truyền, cổ suý cho việc trục xuất hàng triệu người nhập cư đang sống bất hợp pháp ở Mỹ. Một số đối thủ của ông Trump cũng chia sẻ quan điểm với ông này, đề nghị ngừng cấp chế độ công dân tự động cho những trẻ em được sinh ra bởi người nhập cư đồng thời dựng lên một bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico.

 

Ở Châu Âu, tương lai của những đường biên giới nội bộ giữa các nước thành viên EU với chế độ miễn hộ chiếu đang bị hoài nghi sâu sắc. Số người chết tăng cao vì tình trạng nhập cư bất hợp pháp đang khiến vấn đề này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hơn 2.800 nhập cư đã thiệt mạng trong năm nay khi cố tìm cách thâm nhập vào Châu Âu, hầu hết là qua đường biển. Đây là con số do Tổ chức Nhập cư Quốc tế cung cấp. Mới đây, hôm 27/8, người ta phát hiện ra một vụ việc hết sức kinh hoàng, đó là 71 thi thể người nhập cư đang thối rữa ở trong một chiếc xe tải bị bỏ lại ở gần Vienna . Những nạn nhân này rõ ràng là bị chết ngạt.

 

Ở biên giới giữa Hungary với Serbia , khoảng 300 người theo chủ nghĩa cực đoan đã mang theo cờ quạt, tiến về khu vực biên giới và gào thét vào mặt những người nhập cư đang hoảng sợ, yêu cầu họ trở về nơi mà họ đã ra đi từ đó. Nhiều trong số những người nhập cư này vừa trải qua một ngày dài đi bộ. Vụ việc này nhắc người ta nhớ lại cảnh tượng hồi tháng 7 năm ngoái ở Murietta , California . Khi đó, những người biểu tình chống nhập cư cũng vẫy cờ, gào thét phản đối người nhập cư vào nước họ, chặn không cho những chiếc xe chở phụ nữ và trẻ em tiến vào một trung tâm của lực lượng tuần tra biên phòng Mỹ sau khi những người này tìm cách vào Mỹ từ các khu vực đang gặp khó khăn ở Trung Mỹ.

 

Mâu thuẫn Mỹ-EU bắt đầu nảy sinh

 

Trong những năm gần đây, Mỹ chấp nhận khoảng 55.000 đến 70.000 người nhập cư mỗi năm từ hàng chục nước khác nhau. Tuy nhiên, Mỹ đang bị chỉ trích vì chỉ tiếp nhập một con số rất nhỏ trong số 4 triệu người nhập cư Syria trốn chạy khỏi cuộc chiến tranh thảm khốc ở nước họ. Theo Uỷ ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), đến nay, Mỹ tiếp nhận chưa đến 1.500 người nhập cư Syria .

 

"Như chính phủ Đức cho biết, họ sẽ tiếp nhận khoảng 800.000 người nhập cư trong năm nay và sẽ rất là quan trọng để Mỹ phải tăng cường sự giúp đỡ” trong vấn đề này, Chủ tịch IRC - David Miliband cho biết.

 

Mỹ đang phải đối mặt với sức ép về việc chia sẻ gánh nặng với Châu Âu trong việc tìm kiếm chỗ ở cho làn sóng người nhập cư ồ ạt. Tuy nhiên, Washington cho thấy, họ chẳng có ý định chia sẻ gì với “người bạn thân”, đồng minh gắn bó của họ.

 

Ông Miliband đã lên tiếng kêu gọi Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo như nước này từng thể hiện trong quá khứ. “Mỹ luôn đóng vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết vấn đề tái định cư nhưng việc tiếp nhận 1.500 người trong 4 năm qua là đóng góp quá nhỏ bé của nước này trong việc giải quyết khía cạnh nhân đạo của vấn đề”, ông Miliband thẳng thắn phát biểu.

 

Nói vềviệc tiếp nhận chỉ 1.500 người tị nạn Syria trong con số đến 4 triệu người, giới chức Mỹ cho biết họ muốn ngăn chặn tình trạng những chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al Qaeda thâm nhập vào nước họ dưới danh nghĩa người tị nạn.

 

Tuy nhiên, việc theo đuổi chính sách trên của Mỹ và việc Mỹ không đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp đỡ Châu Âu trong cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ đem lại nhiều nguy cơ cho siêu cường số 1 thế giới. Một quan chức cấp cao giáu tên của Mỹ thừa nhận, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng như thế này, gây rúng động toàn thế giới như thế này, Washington có thể phải đối mặt với vấn đề hình ảnh quốc tế của nước Mỹ bị lung lay khi chỉ tiếp nhận một con số rất nhỏ người nhập cư so với các nước đồng minh Châu Âu của họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc